Mổ xẻ nghịch lý tăng trưởng GDP (Bắc Cái)

Tăng trưởng cao mà người dân khó khăn hơn, doanh nghiệp khó khăn hơn, Nhà nước khó khăn hơn, nếu con số GDP không phải là con số "chết", thì tăng trưởng đã chạy đi đâu ?

tangtruong2
Khi giá dầu thô sụt giảm khiến giá trị xuất khẩu theo giá thực tế giảm 40-50%, câu hỏi đặt ra là giá dầu giảm sâu như vậy nhưng tại sao sản lượng vẫn tăng (8,2%) ?

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP chín tháng qua tăng 6,5%, cao nhất so với cùng kỳ bốn năm trước. Nếu chỉ nhìn vào con số và sự so sánh này, đây là một thành tích đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào các ngành và so sánh giữa giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm thì thấy có đôi chút khó hiểu.
Chẳng hạn, giá trị sản xuất của nhóm ngành nông, lâm và thủy sản tăng 2,1% thì giá trị tăng thêm của nhóm ngành này cũng tăng 2,1%. Giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông nghiệp cơ bản là thu nhập hỗn hợp (mixed income), tức là sản lượng của khu vực nông nghiệp tăng bao nhiêu thì giá trị gia tăng tăng bấy nhiêu, điều này có phản ánh thực tế khó khăn của khu vực nông nghiệp ?
Tương tự như vậy là khu vực công nghiệp, giá trị sản xuất của nhóm ngành khai khoáng thông qua chỉ số IIP tăng 8,2% thì giá trị tăng thêm cũng tăng 8,2% ; giá trị sản xuất của nhóm ngành chế biến chế tạo tăng 10,2% thì giá trị tăng thêm cũng tăng 10,2%. Điều này chỉ xảy ra khi sự thay đổi giá cả của đầu ra và các đầu vào của những nhóm ngành này là giống hệt nhau và hệ số chi phí trung gian trên giá trị sản xuất là giống nhau. Điều này trên thực tế hầu như không thể xảy ra, đặc biệt là với tình hình kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, như vậy tức là biến động giá của thế giới và trong nước, các vấn đề về tỷ giá... không còn ý nghĩa gì.
Hơn nữa, theo bảng cân đối liên ngành của Việt Nam vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất là 49%, tăng khoảng 6% so với giai đoạn trước. Với tỷ lệ này, khi giá trị sản xuất theo giá so sánh (sản lượng) tăng 2,1% thì giá trị gia tăng không thể cũng tăng 2,1%, thậm chí tăng trưởng về giá trị gia tăng có thể là con số âm.
Chẳng hạn, đối với khu vực nông nghiệp, khi giá đầu ra năm nay thấp hơn năm trước nhưng sản lượng vẫn tăng, điều này dẫn đến thu nhập của người nông dân năm nay giảm so với năm trước. Nhưng nếu lấy theo giá của năm 2010 thì cả giá trị tăng thêm và sản lượng đều tăng nếu coi tỷ lệ chi phí trung gian và giá trị sản xuất không đổi.
Đặc biệt là đối với ngành khai thác dầu khí. Khi giá dầu thô sụt giảm khiến giá trị xuất khẩu theo giá thực tế giảm 40-50%, câu hỏi đặt ra là giá dầu giảm sâu như vậy nhưng tại sao sản lượng vẫn tăng (8,2%) ? Hoặc trên thực tế, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng theo giá thực tế giảm rất sâu khiến ngân sách hụt thu nhưng khi tính giá dầu theo giá năm 2010 thì cả giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm đều tăng bằng nhau (8,2%).
Nhìn lại Niên giám Thống kê trước năm 2010, thì thấy tăng trưởng về giá trị tăng thêm của các ngành thường thấp hơn tăng trưởng về giá trị sản xuất, đặc biệt với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chẳng hạn, những năm trước đây, nếu giá trị sản xuất tăng trưởng 10% thì giá trị tăng thêm chỉ tăng trưởng khoảng từ 6-8%.
Như vậy có thể thấy những số liệu về tăng trưởng GDP phần nào gây khó hiểu với người dân và đôi khi gây ngộ nhận với các nhà hoạch định chính sách.
Tăng trưởng cao mà người dân khó khăn hơn, doanh nghiệp khó khăn hơn, Nhà nước khó khăn hơn thì nếu con số GDP không phải là con số "chết", theo nghĩa không phản ánh đúng tình hình thực tế, thì tăng trưởng đã chạy đi đâu ? Mà kể cả khi con số đó chính xác thì tăng trưởng GDP như kiểu Việt Nam hiện nay là không có ý nghĩa.
Bắc Cái

1 nhận xét: