Đức Tâm

Chủ Quyền Biển Đông

Bài đăng : Thứ năm 08 Tháng Chín 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 08 Tháng Chín 2011
Việt Nam và Trung Quốc đồng ý tăng cường đối thoại về Biển Đông

Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (T) và Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại Nhà khách chính phủ Hà Nội ngày 6/09/ 2011.
REUTERS/Thong Nhat/Vietnam News Agency/Handout


Nhân chuyến công du Việt Nam của ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc phụ trách đối ngoại, báo chí tại Việt Nam đồng loạt đưa tin là hai nước đã đồng ý tăng cường đối thoại nhắm chấm dứt những tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch tuyên truyền nhằm làm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương.

Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, cả hai nước cùng với Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan có tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa, nơi có trữ lượng lớn về dầu khí, tài nguyên và cũng là nơi có nhiều tuyến hàng hải quan trọng trên thế giới.

Tuần trước, nhân chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Benigno Aquino, cả Philippines và Trung Quốc đều nói đến sự cần thiết xây dựng một bộ luật mang tính ràng buộc liên quan đến ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Tại Hà Nội, trong tuần này, ông Đới Bỉnh Quốc đã đồng chủ trì các cuộc thảo luận giữa hai nước. Theo giới quan sát, một trong những chủ đề được hai bên thảo luận dường như là việc chuẩn bị cho chuyến công du Trung Quốc của tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, có thể vào cuối năm nay.

Về vấn đề Biển Đông, nhân chuyến công du Việt Nam của ông Đới Bỉnh Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin là hai bên đã đồng ý tăng cường các nỗ lực thúc đẩy thương lượng để tìm ra được một giải pháp được cả hai bên chấp nhận, cam kết để có thể sớm ký được một thỏa thuận về vấn đề này.

Theo báo chí Việt Nam, được Reuters trích dẫn, khi tiếp ông Đới Bỉnh Quốc, ngày hôm qua, thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng « về các vấn đề trên Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, qua trao đổi lần này, hai bên đã hiểu rõ lập trường của nhau. Hai bên có ý kiến, nhận thức khác nhau là thực tế khách quan, điều quan trọng là cần cùng nhau cố gắng xem xét, giải quyết những nhận thức còn khác nhau trên tinh thần thiện chí và xây dựng », và « hiện hai bên đang tích cực đàm phán và đã đạt được những nhận thức chung quan trọng về Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển ». Lãnh đạo Việt Nam tin tưởng là « Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ sớm được ký kết ».

Theo giới quan sát, Trung Quốc và các bên liên quan vẫn có quan điểm khác nhau về phương thức giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán song phương, với từng nước, còn các nước khác lại muốn giải quyết qua hình thức đa phương.

Tháng Bẩy năm nay, Trung Quốc và Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN, đã đạt được thỏa thuận về quy tắc hướng dẫn thi hành Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC, sau gần một thập niên đàm phán.
Đức Tâm  RFI



Hoà đàm với thế lực bành trướng tại nước bị xâm luợc là chấp nhận mất mát.
Chấm dứt những tranh chấp tại Biển Đông là chấp nhận TQ nói đúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét