COC: Một giải pháp hòa bình cho Biển Đông
(PL)- Cần đưa việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ra khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á.Trong phiên chất vấn sáng 25-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình”. Một trong những biện pháp hòa bình mà Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Lê Minh Phiếu (ảnh), chuyên gia về các vấn đề pháp lý có liên quan đến tranh chấp Biển Đông, xung quanh việc tiến tới ký kết COC.
Việt Nam cũng như các nước ASEAN đã nghiêm túc thực hiện thời gian qua là tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC). Và hiện nay, các bên đang hướng tới việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).Vì sao cần phải có COC?
. Thưa TS, vì sao ASEAN và các nước quan tâm đến tranh chấp Biển Đông lại mong muốn ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)?
+ Lý do mà các nước phải nghĩ đến một văn kiện tiến xa hơn DOC là vì DOC có rất nhiều hạn chế. Có thể nêu ra ba hạn chế lớn nhất của DOC.
Trước hết, phạm vi áp dụng của DOC không rõ ràng. Văn bản này không phân định rõ vùng tranh chấp và vùng không tranh chấp. Do vậy, khi có một sự kiện xảy ra thì có nước nói rằng đó là vùng không tranh chấp và không chịu sự điều chỉnh của DOC, trong khi các nước khác thì cho rằng sự kiện đó thuộc phạm vi điều chỉnh của DOC.
Thứ hai, các quy định của DOC không rõ ràng và thiếu cụ thể. Do vậy, việc giải thích dễ dẫn đến sự tùy tiện tùy theo mục đích của mỗi bên. Thứ ba, điểm quan trọng nhất là DOC hiện tại không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.
Từ những hạn chế nêu trên, Hướng dẫn thực thi DOC đã được ký kết (ngày 21-7-2011 tại Bali, Indonesia) giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, bản hướng dẫn này cũng không khắc phục được nhiều những hạn chế của DOC. Đó là lý do tại sao các nước liên quan đang hướng đến việc ký kết COC.
Các nước liên quan đang hướng đến việc ký kết COC để duy trì hòa bình ở Biển Đông. Ảnh: INTERNET
COC phải có giá trị pháp lý bắt buộc
. Theo ông, cần những điều kiện gì để COC có thể giúp cải thiện sự phức tạp của tranh chấp trên Biển Đông hiện nay?
+ Tranh chấp trên Biển Đông hiện nay bị rơi vào bế tắc vì các bên không thể khởi kiện nhau ra một cơ quan tài phán quốc tế. Trong các văn kiện quốc tế, Trung Quốc chưa đưa ra một tuyên bố hay chưa ký một thỏa thuận nào để công nhận thẩm quyền của tòa án hay trọng tài liên quan. Do vậy, mặc dù tranh chấp trên Biển Đông rất căng thẳng nhưng các nước không thể nhờ tòa án hay trọng tài giải quyết.
Do vậy, đối với COC, ngoài việc có một quy định công nhận giá trị ràng buộc về mặt pháp lý của COC, các bên cần có một thỏa thuận trọng tài, theo đó các tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thi hành COC sẽ được Tòa án Công lý Quốc tế giải quyết. Hoặc các bên cũng có thể tiến xa hơn bằng cách quy định rằng tất cả tranh chấp liên quan đến Biển Đông (không chỉ là liên quan đến việc giải thích và thực thi COC) sẽ do Tòa án Công lý Quốc tế giải quyết. Tuy nhiên, một điều khoản như vậy sẽ khó mà được Trung Quốc chấp nhận.
. Vậy để COC có thể mang sức nặng như nó có thể thì các nước có liên quan cần phải có hướng ra cho vấn đề này như thế nào?
+ Tôi e rằng nếu COC chỉ được đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc thì các nước ASEAN sẽ không đủ khả năng để có thể thuyết phục Trung Quốc chấp nhận một điều khoản như phân tích ở trên. Do vậy, cần đưa việc đàm phán COC ra khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á.
Thượng đỉnh Đông Á hiện bao gồm 18 thành viên. Ngoài ASEAN, khuôn khổ này bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Trong số những nước này, Trung Quốc là một bên tranh chấp mạnh bạo nhất trên Biển Đông. Các nước khác thì có quyền lợi thiết thân liên quan đến hòa bình và an ninh trên Biển Đông. Riêng Mỹ thì đã từng tuyên bố rằng an ninh trên Biển Đông là lợi ích quốc gia của họ.
Do vậy, việc đưa COC ra đàm phán trong khuôn khổ này sẽ hợp lý và có khả năng đạt được những điều khoản cụ thể, mang tính ràng buộc và có cơ chế bảo đảm thi hành trọn vẹn hơn.
. Xin cảm ơn TS.
Ý chí của các bên là điều quyết định
Có tác giả cho rằng COC không có giá trị pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi COC có giá trị pháp lý bắt buộc hay không tùy thuộc vào mong muốn, ý chí của các bên và được thể hiện trong chính những COC đó cũng như bối cảnh ký kết nó.
Thực tế có một số COC do các chủ thể của công pháp quốc tế ký kết nhưng không có giá trị bắt buộc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả quy tắc ứng xử sẽ ký trong tương lai cũng sẽ không có giá trị bắt buộc giống như vậy. Bởi lẽ một số bộ quy tắc ứng xử vẫn có thể được xem là một điều ước quốc tế – và do vậy đương nhiên là có giá trị bắt buộc – nếu như nó thỏa mãn những tiêu chí được quy định bởi Công ước Viên 1969 về luật điều ước quốc tế (Công ước Viên). Điểm a khoản 1 Điều 2 của công ước này quy định rõ: “Thuật ngữ “điều ước” dùng để chỉ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.
TS LÊ MINH PHIẾU
Ngày 4-11-2002, tại Phnom Penh, Campuchia, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với hy vọng làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên Biển Đông nhưng kết quả thực thi rất hạn chế.
Ngày 21-7-2011, tại Bali, Indonesia, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44), ASEAN và Trung Quốc đã đạt được Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC.
Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc (ngày 18-11-2011) nhấn mạnh: Hai bên tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC thông qua Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và nhất trí tháng 7-2012 là thời điểm hoàn tất bản dự thảo COC.
Minh Cường
thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét