‘Đừng thúc đẩy Biển Đông quá nhanh’
Hồ CẩmĐào đã thành công trong việc thuyết phục Campuchia ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc |
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu Campuchia đừng thúc đẩy các cuộc thảo luận về các tranh chấp trên Biển Đông ‘quá nhanh’.
Trong khi đó, ông Hồ cũng hứa sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương
mại song phương giữa hai nước lên 5 tỷ đô la đến năm 2017 và loan báo các khoản viện trợ mới dành cho nước này.Ông Hồ hiện đang có chuyến thăm kéo dài bốn ngày đến Campuchia bắt đầu từ ngày 30/3.
Campuchia hiện đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) trong năm nay nên có quyền quyết định chương trình nghị sự của khối cũng như có ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông.
Đồng ý với Trung Quốc
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với ông Hồ rằng nước ông chia sẻ quan điểm của Trung Quốc rằng các tranh chấp trên Biển Đông không nên được ‘quốc tế hóa’.
Hun Sen cũng nói với ông Hồ các nước Asean khác rất có thể sẽ đưa vấn đề này ra tại hội nghị thượng đỉnh hai ngày của khối ở Phnom Penh bắt đầu từ thứ Ba ngày 3/4 tới.
Trước đó, Phnom Penh đã tuyên bố rằng vấn đề Biển Đông sẽ không nằm trong nghị trình chính thức tại cuộc họp thượng đỉnh này.
Hồ Cẩm Đào nói với Hun Sen rằng Trung Quốc muốn tiến về phía trước trong việc hoàn thành bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông miễn là không ‘quá nhanh’ để các tranh chấp không đe dọa ổn định khu vực, He Sry Thamrong, cố vấn của Hun Sen, nói với các phóng viên sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo ở Phnom Penh.
“Ngài Hồ Cẩm Đào đã nói với Thủ tướng Hun Sen rằng các tranh chấp trên Biển Đông nên được giải quyết giữa Asean và Trung Quốc để tránh cho vấn đề trở nên phức tạp thêm. Tuy nhiên, ngài Thủ tướng trả lời ông cũng có khó khăn trong việc ngăn cản các quốc gia khác đưa vấn đề ra hội nghị thượng đỉnh Asean bởi vì họ có quyền làm như thế,” He Sry Thamrong cho biết.
“Chiến lược của Trung Quốc là ve vãn một hay nhiều nước thành viên Asean chấp nhận cách tiếp cận của họ và do đó ngăn chặn một mặt trận thống nhất của Asean chống Trung Quốc”
GS Carl Thayer, Đại học New South Wales
Trung Quốc đã cam kết viện trợ hơn hai tỷ đô la cho Campuchia kể từ năm 1992 và hầu hết trong số này là các khoản cho vay mềm, Chính phủ Campuchia cho biết.
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Campuchia trong năm 2011 là 1,19 tỷ đô la, gần gấp 10 lần đầu tư của Mỹ, theo ước tính của Hội đồng phát triển Campuchia trực thuộc chính phủ.
Hôm thứ Bảy 31/3, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Hun Sen đã ký một loạt các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã cung cấp hàng triệu đô la viện trợ cho Campuchia, đồng ý hủy nợ và cho phép 400 mặt hàng của nước này quy chế miễn thuế.
Hơn 300 công ty Trung Quốc hiện đang đầu tư vào Campuchia chủ yếu trong các dự án nông nghiệp và xây dựng.
‘Không hề trùng hợp’
Trung Quốc hiện có ảnh hưởng đáng kể ở Campuchia thông qua các chương trình đầu tư và viện trợ
Chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào diễn ra ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh Asean cũng ở Phnom Penh.
Các nhà quan sát cho rằng thời gian chuyến thăm Campuchia đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc trong 12 năm qua không hề trùng hợp.
“Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục Campuchia đưa vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức (của Thượng đỉnh Asean)”, Carl Thayer, Giáo sư chính trị tại trường Đại học New South Wales của Úc, nói với hãng tin AFP.
“Nhưng điều này cũng không ngăn chặn các quốc gia có liên quan như Philippines đưa vấn đề an ninh hàng hải ra bàn bạc (tại hội nghị)”, ông nói.
Manila đang dẫn đầu một nỗ lực để Asean hình thành một mặt trận đoàn kết để buộc Trung Quốc phải đồng ý về một ‘quy tắc ứng xử’ trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn yêu cầu giải quyết các tranh chấp với từng nước riêng rẽ.
Biết rằng Asean hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, GS Thayer nhận xét rằng ‘chiến lược của Trung Quốc là ve vãn một hay nhiều nước thành viên Asean chấp nhận cách tiếp cận của họ và do đó ngăn chặn một mặt trận thống nhất của Asean chống Trung Quốc’.
Chủ tịch Hạ viện Campuchia Heng Samrin đã nói với ông Hồ rằng Trung Quốc là láng giềng tốt, bạn tốt và đối tác tốt của Campuchia, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.
Trung Quốc hiện có ảnh hưởng đáng kể ở Campuchia bất chấp việc nước này từng hậu thuẫn mạnh mẽ chế độ Khmer Đỏ vốn từng giết chết 1,7 triệu người Campuchia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét