Gần 2800 người ký tên vào tuyên bố về vụ cưỡng chế ở Văn Giang
Nông dân Văn Giang phản đối dự án Ecopark 20/04/2012 (REUTERS) |
Ngày 04/05/2012 vừa qua, ban điều hành trang mạng Bauxite Việt Nam đã công bố
bản Tuyên bố về vụ cưỡng chế giải toả đất đai bằng vũ lực tại huyện Văn Giang,
Hưng Yên, một vụ đã gây phẫn nộ dư luận trong và ngoài nước. Bản tuyên bố này
yêu cầu
các cơ quan quyền lực của Việt Nam bày tỏ quan điểm về việc sử dụng bạo
lực để giải tỏa đất ở Văn Giang.
Sau những chữ ký đầu tiên của nhiều nhân sĩ trí thức tên tuổi ở Việt Nam,
cho đến hôm nay, tức là chỉ sau 4 ngày, theo danh sách mới nhất được Bauxite Việt
Nam đăng tải hôm nay đã có gần 2.800 người ( chính xác là 2788 ) ký tên vào bản
tuyên bố này, trong đó có rất nhiều nông dân ở Văn Giang, cũng như nhiều người
Việt ở nước ngoài.
Bản tuyên bố nói trên nhắc lại là trong vụ Văn Giang, để hỗ trợ cho một dự
án kinh doanh tư nhân, chính quyền đã huy động hàng ngàn công an, cảnh sát vũ
trang hùng hậu đàn áp cuộc chống đối giải tỏa của hàng trăm nông dân.
Bản tuyên bố yêu cầu các cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam chính
thức bày tỏ quan điểm về việc sử dụng bạo lực để giải tỏa đất ở Văn Giang ngày
24/4/2012, cũng như công bố rõ những người chịu trách nhiệm về vụ cưỡng chế giải
tỏa trên.
Họ còn yêu cầu xem xét lại toàn bộ dự án Ecopark và đòi các cấp chính quyền
và doanh nghiệp Ecopark xin lỗi, bồi thường cho những người dân bị đánh đập, ngược
đãi trong vụ cưỡng chế, đền bù thiệt hại của những hộ nông dân bị giải tỏa đất.
Nếu Ecopark không thực hiện những yêu cầu trên, bản tuyên bố kêu gọi mọi người
tẩy chay dự án này.
Bản tuyên bố yêu cầu chính quyền không được sử dụng lực lượng an ninh để cưỡng
chế đất đai “hỗ trợ” những dự án không phục vụ lợi ích thật sự của quốc gia, an
ninh, quốc phòng, cũng như nhanh chóng sửa Luật Đất đai, theo hướng đặt quyền lợi
của người dân và của quốc gia lên cao nhất.
Trong một bức thư gởi cho Bauxite Việt Nam, được đăng tải ngày 6/5, một kỹ
sư xây dựng, đề tên tắt là T.V.H., từng tham gia thi công dự án Ecopark, cho biết
anh đã nghỉ việc từ tháng 3 vừa qua do "thấu hiểu những nỗi khổ mà người
dân Văn Giang, Hưng Yên phải gánh chịu" và nhất là anh bất mãn trước việc
người dân Văn Giang được đền bù đất giải tỏa với mức giá quá thấp, chỉ 43 ngàn
đồng/m², trong khi thực giá hiện nay là 50-70 triệu/m², chưa kể những lợi nhuận
gắn với những khu đất này.
tags: Viêt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét