Cuộc chiến mới” của Việt Nam và Trung
Quốc
AFP PHOTO: Quân đội Việt Nam tại cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979, ảnh chụp hôm 23-02-1979. |
Trong khi người dân hai nước Việt
– Trung chưa quên các cuộc chiến trong lịch sử giữa hai nước mà gần nhất là
cuộc chiến biên giới năm 1979, cuộc chiến tại biển Đông năm 1974 và 1988; thì
Hà Nội và Bắc Kinh dường như đang bắt đầu một cuộc chiến mới - cuộc chiến về
chủ quyền trên biển Đông.
Chỉ có điểm khác biệt: đây dường
như là cuộc chiến không tiếng súng. Mời quý vị nghe Quỳnh Chi tổng hợp và tường
trình.
Bắc Kinh giận dữ
Một đội tàu tuần tra Trung Quốc
vừa đến khu rạn san hô và đảo ở trung tâm Trường Sa để thực hiện quan sát gần;
sau khi đến đảo Đá Châu Viên (tức Cuarteron Reef thuộc Trường Sa). Tính cho đến
ngày 3 tháng 7, đây là diễn biến mới nhất trong thời gian gần đây sau hàng loạt
các tranh cãi gay gắt cũng như các hành động mà giới chức Hoa Kỳ gọi là “khiêu
khích” từ phía Bắc Kinh.
Luật Biển Việt Nam được Quốc hội
thông qua, trong bối cảnh căng thẳng biển Đông đang gia tăng mà chưa có hướng
giải quyết.Và điều 1 trong luật này khẳng định rõ chủ quyền Hoàng Sa – Trường
Sa của Việt Nam đã gây khó chịu cho phía Trung Quốc.
Ngay khi Luật Biển này được thông
qua hôm 21 tháng 6, cùng ngày, thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân của Trung
Quốc triệu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh Nguyễn Văn Thơ đến nhằm phản đối Luật
Biển mà nước này cho là “phi pháp”. Cùng thời điểm, phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao Trung Quốc, Hồng Lỗi cũng lên tiếng yêu cầu Việt Nam “sửa chữa sai lầm”.
Bản đồ chỉ rõ 9 lô dầu khí mà
Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc mở thầu quốc tế hoàn toàn nằm trong
vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.Source PVN.
Một ngày sau đó, Quốc hội Trung
Quốc yêu cầu Việt Nam “sửa ngay lập tức” Luật Biển vừa được thông qua. Qua một
lá thư của Ủy ban đối ngoại Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc gởi cho Ủy
ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam, Bắc Kinh khẳng định “chủ quyền không tranh
cãi” đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng trong thời gian đó, hàng
loạt các tờ báo Trung Quốc, trong đó có tờ China Daily, lên tiếng phản bác lại
Luật Biển Việt Nam với những lời lẽ gay gắt đầy đe dọa. Trong số đó, bài viết
nhan đề “Trò hề lố bịch” số ra hôm 25 tháng 6 ám chỉ một cách gay gắt rằng Việt
Nam “chiếm cái của người khác làm của mình” và đe dọa sẽ “trả giá đắt”. Trước
đó, bài viết, “Khiêu khích sẽ dẫn đến hành động đáp trả” và “Cần có biện pháp
cứng rắn để bảo vệ chủ quyền ở Nam Hải” đăng trên Nhân dân Nhật báo vào tờ Văn
Hối cũng có những lời lẽ mạnh bạo tương tự.
TS Đặng Đình Quý, giám đốc Học
viện Ngoại giao Việt Nam trong lần phỏng vấn gần đây với đài RFA đã nói về hoạt
động của Trung Quốc như sau:
“Nó căng thẳng hơn vì những
hoạt động của họ nghiêm trọng hơn trước. Đó là hành động tiến thêm một bước nữa
trong việc khẳng định chủ quyền ở khu vực đường lưỡi bò. Đó là một hướng mà
Trung Quốc làm để dần đẩy tất cả mọi người ra khỏi khu vực đường lưỡi bò”.
Hồi năm ngoái, tờ Hoàn Cầu Thời
Báo cũng từng lên tiếng đe dọa các nước trong khu vực “chuẩn bị nghe tiếng đại
bác”. Việc giới chức, học giả và các cơ quan truyền thông của Trung Quốc theo
xu hướng chủ nghĩa dân tộc dùng những lời mạnh bạo nhằm chỉ trích các nước khác
không còn là một điều lạ, nhất là khi Trung Quốc càng thể hiện rõ quyết tâm
trong vấn đề biển Đông thời gian gần đây. Tuy nhiên, một loạt những hành động
không chỉ bằng lời nói từ phía Trung Quốc cho thấy nước này sẵn sàng tiến bất
cứ bước nào có thể trong cuộc tranh giành chủ quyền tại biển Đông, nơi mà cho
đến bây giờ, Trung Quốc vẫn còn tỏ ra khá mập mờ trong việc xác định vùng tranh
chấp.
Ngay sau khi Luật Biển Việt Nam
ra đời, lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng xác nhận việc thành lập thành phố cấp
địa khu Tam Sa, bao gồm Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa. Đây
là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng xác nhận tin này, sau khi nhiều lần phủ
nhận từ năm 2007 vì gặp phải sự phản đối quyết liệt của người Việt Nam.
Cũng trong hành động mà nước này
gọi là nỗ lực bảo vệ chủ quyền ở biển Đông, giới hữu trách Hải Nam cũng lên
tiếng xác nhận vào cuối tháng 8 này, sẽ phủ sóng phát thanh và phát hình toàn
bộ khu Tam Sa.
Giới nghiên cứu biển Đông cũng
không lấy gì làm ngạc nhiên nhưng lần này họ làm một cách trắng trợn.
Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim
Phúc
Trong khi đó, ông Cảnh Nhạn Sinh,
phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28 tháng 6 cũng cho biết nước này
sẽ nghiên cứu đến việc đặt cơ quan quân sự tại Tam Sa, đồng thời phản đối những
chuyến bay tuần tra của Việt Nam tại khu vực này. Chỉ hai ngày trước đó, một
nhóm tàu tuần tra gồm 4 tàu hải giám của Trung Quốc mang số hiệu 83, 84, 66 và
71 và hàng chục trực thăng cũng được điều vào biển Đông.
Hàng loạt hành động từ phía Trung
Quốc diễn ra trong cùng một thời điểm rất ngắn không che lấp được sự tức giận
của phía Trung Quốc đối với Luật Biển Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ sự việc “khiêu
khích” lên đến đỉnh điểm nhất cho tới giờ phút này là việc Bắc Kinh kêu gọi đấu
thầu khai thác dầu khí tại 9 lô ở biển Đông, trong đó các các lô chồng lấn với
vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Chín lô dầu khí mà Tổng công ty
Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 23 tháng 6 kêu gọi mời thầu được cho
biết cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) chừng hơn 30 hải lý và cách Nha Trang chưa
đến 60 hải lý; nghĩa là nằm trong vùng tài phán của Việt Nam. Chín lô này có
các lô chồng lấn với Việt Nam từ lô 128 đến 132 và lô 145 đến 156, là nơi mà
Petro Việt Nam đã có các hoạt động thăm dò từ trước.
Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim
Phúc nhận xét:
“Giới nghiên cứu biển Đông
cũng không lấy gì làm ngạc nhiên nhưng lần này họ làm một cách trắng trợn. Hành
động của Trung Quốc cho thấy tham vọng độc chiếm biển Đông là không bao giờ từ
bỏ. Nó cũng là hồi chuông cảnh báo cho những ai vẫn còn ảo tưởng về cái gọi là
“sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”.
Hà Nội đáp trả
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà
Nội hôm 01/07/2012. Photo courtesy CTV Danlambao .
Việc Trung Quốc gay gắt trả đũa
lại Luật Biển Việt Nam có lẽ không nằm ngoài suy đoán của nhiều người; tuy
nhiên, cái mà người ta dường như không dự đoán được là phản ứng đáp trả kiểu
“ăn miếng trả miếng” từ phía Việt Nam.
Ngay sau khi Trung Quốc triệu đại
sứ phản đối Luật Biển, cùng ngày, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam, ông
Lương Thanh Nghị đáp trả rằng việc thông qua Luật Biển Việt Nam là “hoạt
động lập pháp bình thường” và cho rằng "Đáng tiếc là Trung Quốc đã
có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam”.
Người phát ngôn của cơ quan ngoại
giao Việt Nam hôm 26 tháng 6 cũng lên tiếng yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ hành động
kêu gọi thăm dò dầu khí mà ông gọi là “phi pháp”. Ông Lương Thanh Nghị cũng
không quên nhắc nhở phía Trung Quốc tôn trọng Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ
bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Đây là thỏa
thuận được ký giữa Tổng bí thư ĐCSVN và Tổng bí thư ĐCSTQ hồi tháng 10 năm
ngoái, trong đó hai đảng khẳng định “Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được
xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển
năm 1982”. Mạnh dạn hơn, bộ Ngoại giao Việt Nam hồi cuối tháng cũng đã trao
công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhằm phản đối hành động kêu gọi
thăm dò dầu khí trên.
Trong khi đó, lãnh đạo thành phố
tỉnh Khánh Hòa và Đà Nẵng, yêu cầu Bắc Kinh hủy bỏ kế hoạch thành lập thành phố
Tam Sa và gọi đây là hành động phi pháp.
Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim
Phúc nhận xét về phản ứng của phía Việt Nam như sau:
“Phản ứng của Việt Nam trong
thời gian vừa qua là vừa phải, có sự nhân nhượng để bảo đảm vấn đề ổn định và
phát triển đất nước. Nhưng đối với dã tâm của Trung Quốc thì nhân nhượng phải
có chừng mực chứ không thể mềm yếu trước thái độ hung hăng của Trung Quốc”.
Phản ứng của Việt Nam trong thời
gian vừa qua là vừa phải, có sự nhân nhượng để bảo đảm vấn đề ổn định và phát
triển đất nước.
Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim
Phúc
Nếu các học giả hay giới truyền
thông Trung Quốc đồng loạt lên tiếng chỉ trích Luật Biển Việt Nam nhưng không
đưa ra căn cứ để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của
mình thì truyền thông, giới học giả và các công ty Việt Nam cũng phản bác lại
lập luận của Trung Quốc với lời lẽ không quá gay gắt nhưng khá cứng rắn.
Đáp trả lại hành động kêu gọi mời
thầu tại 9 lô chồng lấn với Việt Nam, Petro Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo
hôm 27 tháng 6 nhằm phản đối việc này; cho đây là “việc làm sai trái, không có
giá trị, trái với công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển và không phù hợp
với thông lệ dầu khí quốc tế”. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí - Đỗ Văn Hậu còn
tuyên bố “trong trường hợp phía Trung Quốc hoặc doanh nghiệp trúng thầu cố tình
phớt lờ ý kiến của Việt Nam, PVN vẫn sẽ phản đối đến cùng”.
Cùng thời điểm, Luật sư đoàn Việt
Nam, Hội luật gia Việt Nam cũng lên tiếng và có nhiều bài phân tích về tính phi
pháp của việc mời thầu ngày 23 tháng 6 của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung
Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã vi phạm điều 58, 76 và 77 của Công ước LHQ về Luật
Biển 1982 mà Trung Quốc là một trong khoảng 150 nước thành viên.
Trong khi đó, giới quan sát cũng
bắt đầu để ý đến những phát biểu khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong các cuộc
tiếp xúc cử tri hôm cuối tháng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư
ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Nhưng có lẽ hành động quyết tâm nhất vẫn là cuộc tuần
hành phản đối Trung Quốc và ủng hộ Luật Biển Việt Nam của ít nhất 500 người dân
Hà Nội và Sài Gòn hôm 1 tháng 7. Bất kể mức độ thành công của cuộc tuần hành
đến mức nào và mức độ người dân tham gia ra sao, nó cũng nói lên được rằng
không dễ để một đất nước từ bỏ chủ quyền của mình.
Mặc dù ít được truyền thông trong
nước nhắc đến nhưng máu xương của những người đã ngã xuống trong các cuộc chiến
gần đây với Trung Quốc vào năm 1974, năm 1979 và 1988 không thể nào được xem
như chưa bao giờ xảy ra. Việt Nam và Trung Quốc cũng đang bước vào một cuộc
chiến tuy không tiếng súng nhưng không kém quan trọng. Dấu ấn sau mỗi cuộc
chiến, kể cả cuộc chiến không tiếng súng, thì ngoài kết quả cuối cùng còn có
việc người ta chiến đấu như thế nào. Và lịch sử luôn đón chào những cuộc chiến
mà trong đó, người ta bảo vệ những gì thuộc về mình.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét