Việt - Trung thừa nhận khác biệt
Ông Đới Bỉnh Quốc sang dự cuộc họp của Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc |
Tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc tới làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng trong vấn đề Biển Đông "việc hai bên còn khác biệt là thực tế khách quan".
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tại cuộc gặp diễn ra chiều thứ Tư 7/9/2011 ở Hà Nội, ông Dũng cũng nhấn mạnh đối thoại Việt - Trung "dựa trên tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".
Ngoài ra, Thông tấn xã Việt Nam trích lời ông Nguyễn Tấn Dũng nói đến nhu cầu đối thoại dựa trên Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) nhằm "tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được".
Gắn liền vận mệnh?
Thông tấn xã Việt Nam thuật lại rằng ông Đới Bỉnh Quốc cũng đáp lại tương tự, nếu không phải là nguyên văn.
Theo đó, ông Đới đã "đề nghị, trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, hai bên khẩn trương cùng nhau đàm phán, thảo luận những vấn đề mà hai bên còn khác biệt trên Biển Đông để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được".
Nguồn tin của phía Việt Nam cũng nói Thủ tướng Việt Nam cho rằng hai bên "cần đẩy nhanh đàm phán để sớm ký Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, tạo cơ sở để hai bên giải quyết các vấn đề cụ thể trên biển".
Cùng ngày, ông Đới Bỉnh Quốc cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tại Hà Nội bằng những phát biểu rất thắm thiết.
"Hai Đảng và Chính phủ có chung lý tưởng, có lợi ích chung, vận mệnh gắn liền với nhau, không có lý do gì không cố gắng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp"
Ông Đới Bỉnh Quốc
Báo chí chính thống Việt Nam trích lời ông Đới Bỉnh Quốc nói hai Đảng và Chính phủ "có chung lý tưởng, có lợi ích chung, vận mệnh gắn liền với nhau, không có lý do gì không cố gắng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp".
Trong phát biểu của ông Trọng không thấy có từ "khác biệt" mà chỉ có "hai bên còn có những vấn đề tồn tại", hàm ý sẽ sớm được giải quyết.
Tuy cũng nói về tình hình Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi đây chỉ là vấn đề cần tìm ra giải pháp thỏa đáng để hướng tới mục tiêu lâu dài hơn là "tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển".
Hôm qua, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin trích lời ông Đới Bỉnh Quốc rằng "Quan hệ Trung -Việt cần phát triển trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng phát triển".
Một đảo ở vùng Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa
Đây là phát biểu của ông tại Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc về biên giới trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải tiếp tục gia tăng những tháng qua.
Nhân chuyến thăm của ông Đới, các báo chính thống tại Việt Nam liên tục chạy các hàng tít mang tính hạ nhiệt và tìm đồng thuận, dạng như "Gạt bỏ trở ngại để thúc đẩy quan hệ Trung-Việt", trích nguyên văn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Mã Triều Húc.
Tuy nhiên, các báo Việt Nam không nói "trở ngại" đó là gì, do ai gây ra.
Hai bên cũng không hề nhắc đến các vụ chính phía Việt Nam từng nêu ra là "tàu Trung Quốc gây hấn" tại vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền hay cáo buộc ngược lại khi Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam "xâm phạm lãnh hải" của họ.
Phía Trung Quốc cũng chưa bao giờ chính thức bỏ hay sửa đổi tuyên bố chủ quyền gần trọn vùng biển Đông Nam Á, điều khiến các nước trong vùng lo ngại.
Tân Hoa Xã nói trước phiên họp lần thứ năm của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc ông Đới Bỉnh Quốc nêu ý kiến chỉ đạo rằng quan hệ Trung - Việt cần được nhìn nhận "từ viễn cảnh lâu dài" và xử lý từ "tầm cao chiến lược trong các hoàn cảnh mới".
Các bản tin của hai bên không nêu rõ lời ông Đới định nghĩa "hoàn cảnh mới" này là gì.
Sinh năm 1941, người dân tộc Thổ (Tujia), tỉnh Quý Châu, ông Đới (Đái) Bỉnh Quốc từng làm việc tại Vụ Liên Xô và Châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và là cựu đại sứ Trung Quốc tại Hungary trước khi lên làm thứ trưởng ngoại giao.
Theo trang web của Bấm chính phủ Trung Quốc, hiện ông Đới là nhân vật cao cấp nhất của Trung ương Đảng Cộng sản về đối ngoại và giám đốc văn phòng an ninh quốc gia của Trung ương Đảng.
Ông cũng đóng vai trò chính trong cuộc đàm phán liên qua đến Nam Bắc Triều Tiên.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/09/110907_nguyentandung_daibingguo.shtm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét