Sao phải ‘năn nỉ’ nhà thầu Trung Quốc?
Công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau |
Đất Việt : Một người bạn hỏi: Nhà là nhà của anh. Tự nhiên có người vào nằm lăn ra ngủ. Anh xử sự ra sao? Tôi trả lời: Thích thì mình cho họ nằm ngủ, không thích thì đuổi ra ngoài. Mình có quyền đó mà. Người bạn này lại nói: Có những chuyện đơn giản như thế nhưng thật không đơn giản. Lạ quá!
Chuyện “lạ quá” được đề cập ở đây chính là có hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc mà không có giấy phép. Nó giống như một người lạ hoắc xộc thẳng và nhà ta mà không cần sự cho phép của gia chủ. Nếu người khách này thấy việc xộc vào nhà là sai nên quay ra gõ cửa thì chẳng nói làm gì, đằng này lại nằm lỳ đó cho dù chủ nhà… năn nỉ mời ra ngoài. Lạ quá!
Theo các cơ quan chức năng, tính đến tháng 5 vừa rồi, có hơn 74.000 người đến từ 65 quốc gia đang làm việc tại Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là lao động các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… Việt Nam là nước đang phát triển nên rất cần các chuyên gia, chuyên viên nước ngoài vào làm việc để một phần học hỏi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật. Thế nhưng, trong hàng chục ngàn lao động đó có không ít lao động chân tay, nói thẳng ra là những lao động mà chúng ta không cần vì nguồn nhân lực tại chỗ có thể đáp ứng được. Thế nhưng tại sao vẫn có nhiều lao động phổ thông không phép hằng ngày phụ hồ, cắt cỏ, đào đất, cưa gỗ… ở các công trình trong nước? Nguyên nhân được cho rằng các nhà thầu nước ngoài xem thường pháp luật Việt Nam, ngang nhiên mang lao động phổ thông nước họ vào làm việc. Nhưng đó cũng chỉ là một phần, lỗi lớn nhất của tình trạng này là các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương và chủ đầu tư các công trình trong nước.
Mất bò mới lo làm chuồng. Hiện, các cơ quan chức năng nhiều tỉnh đang kêu gọi chủ thầu nước ngoài cung cấp thông tin lao động phổ thông nước ngoài và đi khám dức khỏe để… cấp phép lao động. Đó là giải pháp cho sự việc đã rồi nhưng cũng thể hiện bản chất tương thân tương ái của người Việt Nam. Nhưng nhiều nhà thầu nước ngoài chai lỳ, cố tình vi phạm pháp luật khi không thèm cung cấp thông tin người lao động.
Quả thật là lạ kỳ. Tại sao các cơ quan chức năng cứ phải “năn nỉ” nhà thầu nước ngoài trong khi họ sai mười mươi, trong khi nhà nước có quyền trục xuất các lao động trên 6 tháng mà không có giấy phép lao động. Phải cương quyết giải bài toán này một cách triệt để nếu không muốn thấy cảnh người Việt Nam thất nghiệp dài dài còn các công trường lớn thì tấp nập lao động nước ngoài.
N.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét