Tại Trung Quốc, nguy cơ vỡ nợ có thể đến từ các địa phương
Một công trường tỉnh An Huy, 28/12.2011. Điạ phương Trung Quốc đổ tiền xây dựng hạ tầng.: Reuters |
Khủng hoảng nợ công có khả năng xẩy ra tại Trung Quốc hay không ? Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải tính đến cách hiểu thế nào là nợ công. Nếu đó chỉ là các món nợ Nhà nước, thì câu trả lời sẽ là không. Nhưng nếu tính luôn cả các khoản vay của các tỉnh và thành phố, thì quả thật là Trung Quốc đang bị nguy cơ vỡ nợ.
Ở Trung Quốc, phải nói là chính quyền Trung ương, tuy có mắc nợ, nhưng không nhiều lắm, và không một chuyên gia nào tỏ ý lo ngại về tình trạng tài chánh của chính quyền Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn của báo China Daily vào giữa tháng 12 vừa qua, ông Lâm Nghị Phu, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã khẳng định : « Chính phủ (Trung Quốc) nợ ít hơn rất nhiều so với chính phủ các nước phát triển, vì vậy những mối quan ngại về một cuộc khủng hoảng nợ công ở Trung Quốc hoàn toàn vô căn cứ ».
Theo AFP, tính đến cuối năm 2010, trái phiếu Nhà nước do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát hành chỉ chiếm tỷ lệ 17,1% của Tổng sản phẩm quốc nội GDP của nước này trong năm 2010. Nếu tính thêm số trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, chuyên tài trợ cho công cuộc xây dựng các cơ sở hạ tầng, thì tỷ lệ đó cũng chỉ lên đến 30% mà thôi.
Ngược lại, trong những năm gần đây, chính quyền các địa phương Trung Quốc đã mạnh tay vay mượn để xây dựng nào là đường xá, cầu cống, nào là bệnh viện, phi trường… Nợ nần chồng chất đã đẩy nhiều tỉnh thành Trung Quốc vào tình trạng không còn khả năng thanh toán, đe dọa nghiêm trọng hệ thống tài chánh của Trung Quốc.
Theo một báo cáo của cơ quan kiểm toán Trung ương, công bố vào cuối tháng Sáu 2010, các khoản vay mượn của các địa phương Trung Quốc lên đến10.700 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 1.300 tỷ euro trong năm 2010, chiếm tỷ lệ 27% GDP.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm định tài chánh quốc tế Moody’s, số liệu chính thức nói trên thấp hơn thực tế đến 3.500 tỷ nhân dân tệ. Theo Moody’s, các khoản nợ không thể đòi được mà các ngân hàng Trung Quốc hiện nắm giữ chiếm từ 8% đến 10% tổng số tín dụng cấp phát.
Theo Ngân hàng Standard Chartered tại Hồng Kông, tổng số nợ công - nợ của cả chính quyền Trung ương lẫn địa phương – tại Trung Quốc vẫn còn ở mức thấp là 68% GDP. Để so sánh, tỷ lệ này ở Pháp là 85%.
Nếu như thế thì tại sao vấn đề nợ của các địa phương Trung Quốc lại trở thành đáng ngại ?
Theo hãng tin Pháp AFP, đó là vì khi vay mượn, các tỉnh thành Trung Quốc thường trù tính trả nợ bằng các lợi tức do các cơ sở hạ tầng sản sinh ra. Thế nhưng, rất nhiều công trình này lại không sinh lợi như mong đợi.
Ông Patrick Chovanec, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, còn ghi nhận là ngoài các dự án mà lợi ích kinh tế không rõ ràng, còn có vấn đề các công trình "có lợi ích kinh tế mà không đứng vững về mặt thương mại" như đường xá, bệnh viện, trên nguyên tắc phải được tài trợ bằng tiền thuế của dân.
Ngoài ra, khi vay mượn, nhiều tỉnh thành cũng nhắm vào khả năng bán nhà đất với giá cao để lấy tiền trả nợ. Một số nơi không ngần ngại bảo đảm tiền vay bằng doanh số dự trù thu được nhờ bán đất. Tình trạng trưng thu đất đai đã diễn ra, gây bất mãn nơi cư dân vì không được bồi thường thỏa đáng, dẫn đến bất ổn định xã hội như cuộc nổi dậy tại làng Ô Khảm ở Quảng Đông vào tháng trước.
Tình trạng suy thoái gần đây trong thị trường địa ốc tại Trung Quốc sẽ tác hại nặng nề đến các địa phương dựa vào phương cách này để thanh toán công nợ.
Trọng Nghĩa RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét