Ngô Đình Thu

LỊCH SỬ CŨNG LÀ CÔNG CỤ CỦA ĐẢNG

Lịch sử Trung Hoa thời Chiến Quốc cho thấy Tần Thủy Hoàng (259TCN-210TCN) là vị hoàng đế đầu tiên lập ra nhà Tần sau khi tiêu diệt các nước chư hầu, thống nhất đất nước. Với sự giúp sức của Hàn Phi Tử và Lý Tư, tư tưởng pháp gia
được áp dụng một cách triệt để trong việc cai trị của nhà Tần. Pháp luật được sử dụng như một con đường duy nhất để mang lại ổn định cho đất nước, bỏ qua những giáo điều Khổng Mạnh thông thường. Mặc dù đã mang lại cho đất nước Trung Hoa trong thời điểm đó những cải cách căn bản về văn hóa, xã hội nhưng những việc làm của Tần Thủy Hoàng như đốt sách, chôn nho gia, xây vạn lý trường thành, song song với việc áp dụng hình luật khắt khe đã khiến đời sau đánh giá Tần Doanh Chính là một bạo chúa có một không hai trong lịch sử.

Thế kỷ 20 được đánh dấu như một thời kỳ đầy biến động của đất nước Trung Hoa. Cách mạng Tân Hợi, thời kỳ quân phiệt, chiến tranh Trung-Nhật rồi chiến tranh Quốc-Cộng chấm dứt năm 1949 tạo điều kiện cho Mao Trạch Đông làm cuộc cách mạng vô sản trên một đất nước điêu tàn và lạc hậu kéo dài. Không phải là vô tình mà lịch sử được lập lại sau hơn hai ngàn năm.

Để ổn định xã hội và nắm vững chuyên chính vô sản, Đảng CSTQ từ khi cầm quyền đã tỏ ra vượt trội chính sách cai trị đời nhà Tần, nâng cai trị thành thống trị với biết bao hành động bạo ác, bất nhân. Không công khai đốt sách, chôn học trò như Tần Thủy Hoàng nhưng CSTQ cũng chủ trương tiêu diệt trí thức nhằm mục đích nắm độc quyền cai trị ở thượng tầng. Có lẽ Mao Trạch Đông là lãnh tụ chính trị đã tỏ ra hết sức khinh miệt trí thức khi đánh giá trí thức giá trị không bằng cục phân. Chính sách tập thể hóa nông nghiệp và thời kỳ “Đại Nhảy Vọt” từ năm 1958 đến 1960 đẩy người dân Trung Quốc vào thế bần cùng, cho phép chế độ nắm người dân cả về thể xác lẫn tinh thần. Đại Nhảy Vọt trở thành Đại Thảm Họa với hàng chục triệu người chết. Bên cạnh đó, sự hủy hoại các công trình văn hóa, tâm linh của nước Trung Hoa thời cổ không đơn thuần chỉ là hủy hoại vật chất mà còn kéo đất nước đi vào con đường tụt hậu.

Trước đó, trong xã hội Trung Hoa, Khổng Giáo với những quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trong quan hệ đất nước- xã hội- gia đình và cá nhân trong một thời gian dài được chấp nhận như kim chỉ nam để duy trì ổn định và sự cai trị thời phong kiến. Đó là mối quan hệ vua-tôi, vợ- chồng, cha-con, bằng hữu dù nhằm giữ vững ngôi vị của hoàng đế, nhưng đã đóng góp phần không nhỏ trong sự phát triển của đất nước. Chính Tây Phương dù trong tinh thần duy lý, nhưng cũng đã hành động tương tự để ổn định và phát triển cho tới khi cuộc cách mạng tư sản dân quyền hoàn thành năm 1789 ở Pháp.

Trong lịch sử do đảng CSTQ tạo ra, Khổng Tử từ địa vị của một “vạn thế sư biểu”, đã bị dìm xuống bùn đen suốt một thời gian dài, biến thành một hình ảnh tiêu biểu cho sự lạc hậu, sự ngăn trở nước Trung Hoa tiến lên thiên đường Cộng sản! Thật là lố bịch khi năm 2010 để phản ứng lại với Giải Nobel Hòa Bình của nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba, Trung Quốc lôi Khổng Tử lên thành lập “Giải Khổng Tử” đem phát cho một nhân vật chính trị Đài Loan nhưng bị từ chối nhận giải. Nghe nói năm nay, giải Khổng Tử lại bị xếp xó. Sự tráo trở đó cho thấy đối với đảng CSTQ, lịch sử hay nhân vật lịch sử cũng chỉ là một thứ công cụ của đảng, khi cần xài thì mang ra xài, khi hết cần thì vứt bỏ!

Từ tấm gương của CSTQ, những người học trò “kiệt xuất” ở Việt Nam hiện nay cho người ta thấy đảng CSVN không kém đàn anh Trung Quốc chút nào về mức độ “giết sử”. Thực sự, Hà Nội sau khi chiếm được Miền Nam đã có những hành động không khác Tần Thủy Hoàng. Để thực hiện cải tạo tư sản và tạo dựng cái gọi là con người mới xã hội chủ nghĩa, những người cầm quyền CS đã ra sức hủy hoại các công trình xã hội, kinh tế, các hệ thống chính trị, dân sự của chế độ cũ, đặc biệt nhất là các công trình văn hóa và tôn giáo như trường học, chùa chiền, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất. Tất cả các cơ sở giáo dục tư nhân, các cơ sở từ thiện đều bị gom vào tay nhà nước và hầu hết trường học đều bị đổi tên, từ những danh nhân văn hóa, lịch sử như Phan Thanh Giản, Petrus Ký, Lê Văn Duyệt, Marie Curie, Jean Jacques Rousseau thành những cái tên lạ hoắc mà thành tích văn hóa, giáo dục của họ thấp dưới mắt cá chân.

Lịch sử bị sửa lại hay viết lại cho phù hợp với “duy vật sử quan”, trong đó vua quan triều Nguyễn thành những kẻ phản bội tổ quốc, các nhân vật của các đảng phái yêu nước trở thành phản động tay sai ngoại bang, việc thanh toán, giết hại các thành phần không cộng sản được vinh danh là yêu nước, bảo vệ thành quả cách mạng! Biết bao nhân vật danh tiếng như Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Phú Sổ, Khái Hưng…bị thủ tiêu mất xác vì tội phản cách mạng! Thậm chí trong các làng quê, người có học hành chút đỉnh cũng bị hành quyết bằng mã tấu do tội “biết tiếng Tây.”

Chẳng những lịch sử bị sửa hay “giết” mà lịch sử còn bị bịa ra để chứng minh cho cái gọi là “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, sáng ngời chính nghĩa. Một trong những vụ bịp sử “hoành tráng” nhất là “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” suốt một thời gian dài là ngọn đuốc soi đường cho thanh thiếu niên cả nước noi theo, cuối cùng bị chính cha đẻ của câu chuyện thú nhận là ngọn đuốc sống…dỏm. Hay như chuyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót trong trận Điện Biên Phủ, dù bị thương nặng vào đùi và vai vẫn tiếp tục xung phong, lao vào lấy thân mình bịt lỗ châu mai, giúp đơn vị tiêu diệt được cứ điểm đồi Him Lam. Những người Cộng sản nói chuyện bịp người khác, họ cũng biết là họ bịp nhưng họ vẫn nói. Người nghe Cộng sản nói bịp, cũng biết mình bị bịp nhưng vẫn giả vờ nghe như nghe một điều có thật. Đó quả là bi kịch của một đất nước đang sa vào canh bạc bịp khổng lồ. Ngay như Hồ Chí Minh, một lãnh tụ được tô vẽ sùng bái như cha già dân tộc, ngày qua đời và di chúc để lại cũng bị sửa lại cho phù hợp với “tình hình cách mạng và hoàn cảnh chính trị”. Bởi vì, chính Hồ Chí Minh cũng đã bịa ra ngày sinh nhật 19 tháng 5 của mình để bịp nhân dân, lấp liếm cảnh tiếp đón Toàn quyền Đông Dương, Đô Đốc Thierry d’Argenlieu mà thủ đô Hà Nội phải treo cờ.

Tệ hại hơn, sau khi Hiệp định Biên giới trên Đất liền được ký kết vào ngày 30/12/1999, lịch sử một lần nữa lại bị Đảng CSVN thay đổi một cách trắng trợn. Tất cả những phần đất đai của Việt Nam có ghi trong sách sử như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Bãi Tục Lãm (cửa sông Bắc Luân) và một số điểm cao vùng biên giới Việt-Trung đều bị cho là của Trung Quốc. Phần nhỏ còn lại thuộc Việt Nam là do hảo ý của “bạn” nhường lại! Ông Lê Công Phụng, người đã từng là Trưởng ban biên giới chính phủ và đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã khẳng định một cách vô tội vạ rằng “ biên giới Việt Nam chưa bao giờ bắt đầu từ Ải Nam Quan”! Sửa lịch sử, bịa lịch sử, đó là một cái tội lớn đối với tiền nhân và lịch sử oai hùng của đất nước nhưng những người cộng sản Việt Nam ngày nay đã làm và vẫn tiếp tục làm!

Trong quá khứ, Mạc Đăng Dung đã tự trói mình ra hàng, chịu tội với nhà Minh ở cửa Nam Quan, xin dâng đất 5 động và đất Khâm Châu cho Tàu để được phong làm Đô thống sứ, tương đương quan nhị phẩm nhà Minh. Hành động hèn nhục này của Mạc Đăng Dung đã bị Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam Sử Lược phê phán nặng nề như sau: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sĩ.

Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được.”

Lời kết án đanh thép của sử gia đối với Mạc Đăng Dung ngày nay nếu đem so với những người cầm quyền CSVN sao lại xác đáng từng câu từng chữ! Hành động thay đổi lịch sử, dâng đất, nhượng biển của đảng CSVN nếu không gọi là hèn nhục, phản quốc thì phải gọi bằng gì? Có lẽ vì lý do đó mà trong thời gian gần đây Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã cho tay chân ra sức biện minh cho hành động dâng nhượng đất đai cho giặc Tàu của họ Mạc. Phải chăng những người Cộng sản ngày nay muốn lấy trường hợp Mạc Đăng Dung làm thí điểm để thăm dò phản ứng dư luận, hầu dễ dàng đối phó sau này? Họ cố gắng bào chữa cho Mạc Đăng Dung cũng chính là ngầm bào chữa cho chính mình. Nhưng đối với nhân dân Việt Nam, những người Cộng sản làm sao gỡ được cái tội bán nước, hèn với giặc, ác với dân?

Những người CSVN trước đây vẫn thường hãnh diện một cách mù quáng mình “là tên lính xung kích” của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Tên lính xung kích ấy đã quay lưng với lịch sử đất nước, coi Mao Chủ Tịch vĩ đại là người thầy, là ân nhân của cách mạng Việt Nam. Hình ảnh những anh hùng dân tộc có công chống xâm lăng phương Bắc qua các thời đại, các danh nhân lịch sử Việt Nam bị đảng Cộng sản cố tình làm cho lu mờ, tiến tới xóa bỏ trong lòng nhân dân. Trong lúc đó, kẻ đầu hàng giặc nhà Nguyên là Chiêu Nam Vương Trần Ích Tắc, người bị nhà Trần gọi một cách khinh bỉ là “ả Trần” biết đâu sẽ biến thành một nhà ngoại giao đại tài bên cạnh thái tử Thoát Hoan. Và Lê Chiêu Thống, một nhà vua Việt Nam duy nhất đã cạo đầu, gióc tóc, thay đổi xiêm y theo nhà Thanh để chờ ngày về lấy lại ngai vàng, cũng có thể là một quân vương yêu chuộng hòa bình, tài giỏi không thua Trần Ích Tắc và Trần Di Ái.

Cho nên ngày nay, khi nhìn vào Bộ Chính Trị của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, nhân dân rất dễ nhận thấy 14 ủy viên nếu không là những “ả Trần” thì cũng chung một dòng họ “Lê Chiêu”, từ Lê Chiêu Phú Trọng tới Lê Chiêu Tấn Dũng và Lê Chiêu Tấn Sang.

Một đảng tự nhận là đảng cách mạng mà gồm toàn những hạng mãi quốc cầu vinh như thế, thật xứng đáng với cái tên “đảng bán nước”. Đối với đảng bán nước này, lịch sử đất nước cũng chỉ là công cụ có thể sửa đổi, thay thế, ngụy tạo cho phù hợp với “tôn chỉ” bán nước của nó.

Ngô Đình Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét