Trung Quốc tăng cường hợp tác với Cam Bốt
Ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc (DR)
Chu Vĩnh Khang |
Ngày 20/8/2011 vừa qua, nhân chuyến viếng thăm Cam Bốt của ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai nước đã ký kết gần ba chục thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ hay giữa các công ty tư nhân, với những trị giá cực lớn.
Giới quan sát đã đặc biệt ghi nhận chiều hướng tăng cường hợp tác Phom Penh – Bắc Kinh vào lúc quan hệ Trung Việt có căng thẳng vì hồ sơ Biển Đông. Từ Phnom Penh, phân tích thêm về dụng tâm chiến lược của Bắc Kinh, thông tín viên
Phạm Phan trước hết, cho biết chi tiết về các thỏa thuận ký kết hay cam kết giữa Trung Quốc và Cam Bốt lần này. Ông Chu Vĩnh Khang, Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị, Bí Thư Ủy Ban Chính Pháp Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cũng với Thủ Tướng Cam Bốt Hun Sen chủ tọa buổi ký kết 26 Biên Bản Ghi Nhớ hầu như bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước như năng lượng, mỏ, nông nghiệp, xây dựng đường.
Công ty điện thoại di động của Cam Bốt là CamGSM ký một thỏa thuận với công ty viễn thông nổi tiếng của Trung Quốc là Huawei để giúp Cam Bốt thiết lập một vệ tinh đầu tiên. Dự án này sẽ hoàn thành năm 2013 với trị giá 350 triệu Mỹ Kim.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đã ký kết 4 thỏa thuận để Cam Bốt xuất cảng gạo qua Trung Quốc. Nông nghiêp Cam Bốt là một trong các điểm gây chú ý đối với một số công ty Trung Quốc. Vào tháng 8 năm rồi, ông Hun Sen đưa ra định mức đến năm 2015 sẽ xuất cảng 1 triệu tấn gạo qua Trung Quốc.
Ngược lại các công ty Trung Quốc hứa hẹn hỗ trợ cho Cam Bốt trong công tác dẫn thủy nhập điền, xây dựng đường. Hiện nay, Trung Quốc đã giúp Cam Bốt xây 4 cây cầu dài hiện đại bắc qua sông Mekong. Trong khi đó Nhật chỉ mới giúp xây dựng có hai cây cầu bắc qua giòng sông quan trọng này.
Hợp đồng liên quan đến dự án hồ Boeung Kak đang gây tranh cãi
Theo nhận xét của báo mạng Asia Times ra ngày 23/08/2011 thì viên Thượng Nghĩ Sĩ Lao Meng Khin nhiều quyền lực của Đảng Nhân Dân Cam Bốt hiện nay sẽ hợp tác với Công Ty Đầu Tư Nội Mông Erdos Hongjun trong hai dự án nhà máy thủy điện và khai thác quặng mỏ trị giá khoảng 2 tỷ Mỹ Kim.
Theo dự tính, kế hoạch sẽ được làm lễ động thổ vào đầu năm sau. Có điều đáng nói là hai đối tác nói trên đã can dự vào dự án khu đô thị mới tại hồ Boeung Kak mà hồi đầu tháng này Ngân Hàng Thế Giới phải lên tiếng cảnh báo ngưng cho mượn tiền hay hỗ trợ tài chính nếu chính quyền cứ tiếp tục xua đuổi dân sống tại hồ đi nơi khác.
Chỉ vài ngày sau lời răn đe do Ngân Hàng Thế Giới đưa ra, Thủ Tướng Hun Sen ký ngay một sắc lịnh cấp 12,44 mẫu đất cho số dân cư còn lại tại hồ. Điều này chứng minh Phnom Penh còn nể nang và cần tiền của Ngân Hàng Thế Giới.
Tuy nhiên theo nhận định của báo mạng Asia Times thì chính quyền Cam Bốt có thể không cần sự giúp đỡ của Ngân Hàng Thế Giới khi họ dựa vào tài chính của Trung Quốc mà không phải bị bó buộc vào bất cứ điều kiện nào.
Về quân sự quốc phòng, hai bên có ký kết gì không ?
Trong 26 Biên Bản Ghi Nhớ giữa Trung Quốc và Cam Bốt ký kết ngày thứ Bảy 20/08 thì Biên Bản Ghi Nhớ liên quan đến việc Trung Quốc cung cấp loại trực thăng Z-29 do họ chế tạo, số lượng không rõ có bao nhiêu chiếc, nhưng tổng trị giá cho mặt hàng quân sự này lên tới 195 triệu Mỹ Kim.
Đặc biệt, Biên Bản Ghi Nhớ này lại do Bộ Trưởng Tài Chính ông Keat Chhon ký kết với Thứ Trưởng Bộ Thương Mại Trung Quốc ông Trần Kiến (Chen Jian) và không được nêu lên thảo luận tại cuộc họp báo.
Đây có thể coi là lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý trang bị trực thăng quân sự cho Cam Bốt. Những lần trước, Trung Quốc chỉ cung cấp các trang thiết bị quân sự như xe tải, tàu tuần duyên, quân trang cũng như huấn luyện cảnh sát.
Vào tháng 6 năm nay, tại phi trường Pochentong, Trung Quốc cũng đã giúp 17 container trang thiết bị quân sự cho Không Quân Hoàng Gia Cam Bốt trong đó có 50.000 bộ quân phục. Trong buổi lễ trao quân viện, viên Tướng Trung Quốc Trương Kiến Lâm phát biểu: “Cam Bốt và Trung Quốc là anh em, sự quân viện sẽ làm tăng khả năng chiến đấu của quân đội Cam Bốt.”
Bình luận về sự kiện này, ngày 8/6/2011, tờ báo mạng trong nước có tên Việt Báo nói rằng: “Nhiều năm trở lại đây, nhiều người Campuchia và giới quan sát tỏ ra nghi ngờ về động cơ đằng sau các chương trình hỗ trợ của Trung Quốc, nhất là khi nước này không đặt ra bất cứ đòi hỏi nào – động thái trái ngược hoàn toàn với Mỹ hay các nước phương Tây khác.”
Dụng tâm của Bắc Kinh khi tung tiền giúp Cam Bốt là gì ?
Trong khi ngoài Biển Đông, Trung Quốc làm cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Phillipines và Việt Nam lo ngại về tấm hải đồ tự vẽ của Trung Quốc mang tên “Đường Lưỡi Bò’, thì ở trên bộ, sát biên giới phía Tây của Việt Nam, Trung Quốc lại từng bước tiến hành chiến lược nắm quyền chi phối các nước từng nằm trong vòng ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam là Lào và Cam Bốt.
Trước khi đến Cam Bốt, ông Chu Vĩnh Khang cũng đã ghé Lào với những món tiền viện trợ hấp dẫn. Liên hệ đến chiến lược này, báo mạng Asia Times, gọi Miến Điện, Lào, và Cam Bốt là những nước nằm trong “khu vực lợi ích”của Bắc Kinh.
Năm 2010, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Lào với tổng số tiền đầu tư lên đến 2,9 tỷ Mỹ Kim. Nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ, đập thủy điện, kinh doanh nông nghiệp và các dịch vụ khác. Trung Quốc cũng xây dựng được cho họ một vị trí đáng kể tại Lào như là một nước cấp viện thông qua các dự án cơ sở hạ tầng trên bình diện lớn như kiến thiết con đường số 3 nối liền miền Tây Nam Trung Quốc với vùng Bắc Thái Lan xuyên qua Lào.
Nhân đây cũng nhắc lại rằng, theo dữ kiện của đài truyền hình Việt Nam, vào đầu tháng 7, chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng khi mới lên nắm quyền Tổng Bí Thư là đi thăm Lào. Và mới đây, ngày 8 tháng 8, khi mới nhậm chức Thủ Tướng kiêm luôn Tổng Bí Thư Đảng, ông Chummaly Sayasone đã thực hiện chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam. Việt Nam hiện nay có 258 dự án đầu tư tại Lào với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ Mỹ Kim.
Trong khi đó, nếu ý đồ chiến lược của Trung Quốc được hoàn thành thì coi như lãnh thổ Việt Nam bị bao vây trong một gọng kềm, trên Biển Đông và tuyến trên bộ kéo dài từ biên giới tỉnh Vân Nam - Trung Quốc xuống Lào, đến Cam Bốt và vùng biển Nam Cam Bốt, nơi đây mở ra hai hướng phát triển, một đi ra Vịnh Thái Lan, hai đi về biển Cà Mau và tiến đến Trường Sa.
Tại Biển Đông, Trung Quốc bị các nước trong vùng tranh chấp phản đối mạnh nhưng họ vẫn ngạo mạn, háo chiến phô trương sức mạnh quân sự để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ. Trong khi đó trên tuyến đường bộ từ biên giới tỉnh Vân Nam kéo dài xuống đến vùng biển Nam Cam Bốt, Trung Quốc không bị phản đối, trái lại còn được các nước chủ nhà mở rộng vòng tay đón tiếp và hân hoan khi nhận được đồng Mỹ Kim do Trung Quốc hào phóng ban cấp cho.
Đáp ứng của Cam Bốt ra sao ?
Theo ông Eang Sophalleth, người phát ngôn của Thủ Tướng Hun Sen thì qua cuộc gặp mặt hai ngày, ông Chu Vĩnh Khang và ông Hun Sen đã trao đổi quan điểm về thời kỳ được gọi là kỷ nguyên mới trong sự hợp tác Trung Quốc – Cam Bốt. Dịp này ông Hun Sen nhắc lại lập trường chính trị của Cam Bốt vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách “Một Trung Hoa” cũng như ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên đảo Đài Loan và những vùng biển tranh chấp khác.
Ông Lao Mong Hay, một nhà phân tích chính trị Cam Bốt lo ngại về ảnh hưởng Trung Quốc ngày càng tăng tại Cam Bốt, bởi vì điều đó dẫn đến việc Cam Bốt trở thành một quốc gia tùng phục Trung Quốc. Theo ông Lao, ngoài lợi ích trong thương mại và khai thác tài nguyên, Trung Quốc đến Cam Bốt vì mục tiêu chiến lược. Do vì khi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vùng Biển Đông giàu dầu khí, Trung Quốc coi Cam Bốt như một vành đai an ninh trong vùng.
Ngoài ra, quan điểm của người cầm đầu chính quyền Cam Bốt trước sau vẫn mạnh mẽ ủng hộ tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông lại mâu thuẫn với lập trường của Việt Nam. Điều này cho thấy giới lãnh đạo Cam Bốt ngả theo Trung Quốc chứ không đi theo Việt Nam.
Nếu chính sách đối ngoại của Cam Bốt cứ phát triển theo hướng này thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chế độ Hà Nội hiện nay có khả năng đặt Cam Bốt vào vòng ảnh hưởng của họ như thời gian sau năm 1979 hay không ? Tất nhiên những gì họ xây dựng được tại xứ Chùa Tháp sau khi rút quân năm 1989 cho đến nay sẽ không để bị cuốn trôi đi dễ dàng.
Mai Vân & Phạm Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét