Thư tịch Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam . Cập nhật lúc :10:30 AM, 29/06/2011
Một trang trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán – một nhà sư Trung Quốc đời Khang Hy – thuật lại chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt.
Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa), với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử, đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn "Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min, trong bài "Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định về cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: "Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Theo các tài liệu lịch sử chính thống, "thảng hoặc, triều đình Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản, trong các thế kỷ thứ III và thứ II (TCN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu, trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III TCN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX).
Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập, nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường Tơ Lụa tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục Biển Đông, nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, đoàn thuyền chỉ đi ngang qua Biển Đông nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban), thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều đình nhà Minh đã phê phán, những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.
Sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống, trong cuốn Chư Phiên Chí, đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt, "Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII) mới đặt lại quyền cai trị”. Triệu Nhữ Quát cũng cho biết, vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần, vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư Phiên Chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa, mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.
Đời nhà Đường, có sách Đường Thư Nghệ Văn Chí đề cập tới cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu, chép những chuyện kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm, khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định, quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam). Trong đời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư Phiên Đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy, Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc nhưng thuộc về nước khác, mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.
Vào đời nhà Nguyên, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược, và góp phần phá tan kế hoạch Đông Tiến (đánh Nhật Bản) của đoàn quân Mông Cổ nổi danh là bách chiến bách thắng từ đời Thành Cát Tư Hãn. Sau 3 phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó Đại Việt, cả trên lục địa đến các hải đảo. Trong suốt các thế kỷ XIII và XIV, theo chính sử Trung Hoa, quân Mông Cổ không hề có ý định xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Dư Địa Đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản, được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư Đồ của La Hồng Tiên, thực hiện năm 1561, phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam.
Đời nhà Minh, Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hòa Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa (hay theo cách gọi của Trung Hoa là Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc) trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa, sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương). Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành, đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lưu ý rằng, từ năm 1427, Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ chiếm đoạt từ 20 năm trước (1407).
Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan.
Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ, do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894, thì đến cuối thế kỷ XIX "lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư, xuất bản năm 1906, với đoạn như sau: "Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam, kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hóa) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi), và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh Đế Quốc, do triều đình nhà Thanh ấn hành, cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức...). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển, được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận, quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Thanh biên soạn năm 1842, với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi về Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa). Trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: "Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”. Ngoài ra, cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán, một nhà sư thời Khang Hy, đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695), thuật lại chuyến hải hành này và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông, nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII.
Các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hòa bình và liên tục, không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào, kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử của nhiều triều đại Trung Quốc, trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX.
TQ không hề có thư tịch gì về Trường Sa, Hoàng Sa.
Cập nhật lúc :10:32 AM, 14/06/2011
Là người có thâm niên 13 năm làm Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc, ở thời điểm nhạy cảm nhất (1974-1989), Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có những đánh giá rất sâu sắc về hành động và ý đồ của Trung Quốc trên biển Đông.
- Ông có bất ngờ về sự việc tàu Trung Quốc liên tục cắt cáp tàu Việt Nam?
- Tôi không bất ngờ.
- Là người sống và làm việc 13 năm tại Bắc Kinh với cương vị Ðại Sứ đặc mệnh toàn quốc Việt Nam, có bao giờ ông được chính phủ Trung Quốc trưng ra bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ?
- Chưa lần nào! Tôi sống tại Trung Quốc nhiều năm, nhưng chưa lần nào thấy họ nói chính thức về vấn đề này. Tôi cũng đã nhiều lần lần tìm thư tịch của họ, để tìm hiểu xem chứng cứ chủ quyền của họ – nếu có – về hai quần đảo này, nhưng không hề có.
- Vậy những dữ kiện mà họ nói do Tướng Trịnh Hòa (thời nhà Minh) thu thập được khi đến đảo Hoàng Sa thì sao?
- Tôi cam đoan đó chỉ là hàng giả! Đó chỉ là trên phim của họ, họ tả là tướng Trịnh Hòa đem thương thuyền đi xuống Ấn Độ dương. Họ lướt chỗ nọ chỗ kia coi như dò đường thôi, chứ có phải đi thực hiện chủ quyền đâu. Như vậy, những chứng cứ do Trịnh Hòa thu được không đủ làm căn cứ để xác định chủ quyền của họ, ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phải là quản lý thì mới khẳng định chủ quyền chứ! Tôi nói giả sử, đi qua nhặt được cái gì thì đó đâu phải là thực thi chủ quyền.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
“Sự việc cắt cáp làm rơi mặt nạ hòa bình của Trung Quốc”
- Ông đánh giá gì khi Trung Quốc liên tiếp có các hành vi gây hấn, thách thức sự kiên nhẫn, lòng yêu nước, trân trọng hòa bình của người dân Việt Nam?
- Tôi đã có 13 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc. Đó là thời gian quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian cam go, thử thách nhất. Sỡ dĩ nói rằng không bất ngờ, vì tôi ở Trung Quốc đã lâu, đã biết bản chất của Trung Quốc là bá quyền nước lớn. Tư tưởng bành trướng bá quyền nước lớn, ngàn năm cũng chưa từ bỏ. Cho nên những việc họ làm, không chỉ tàu Bình Minh 02, Viking, mà trước đây, từ việc chiếm quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở quần đảo Trường Sa, bắt ngư dân, cấm ngư dân đánh cá… là biểu hiện của chủ nghĩa bá quyền nước lớn. Đến sự việc này, tôi không lạ nữa.
Một lý do khác, đến thời điểm này, họ có tham vọng bá chiếm cả tài nguyên của Biển Đông, vì họ thiếu thốn, thèm khát dầu khí. Khi họ thấy ta thăm dò định khai thác, thì họ phải tìm cách cản trở. Dù đã bị ta phản đối, nhân dân, báo chí, dư luận Việt Nam và quốc tế chỉ trích sau sự việc ngày 26/5 (tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám TQ cắt cáp thăm dò dầu khí – PV) nhưng với tính chất ngoan cố, ngang ngạch và cậy là kẻ mạnh, họ lại tiếp tục gây sự với tàu Viking 2.
Tôi có thể kết luận, hai vụ việc xảy ra với tàu Bình Minh 02 và Viking làm rơi mặt nạ hòa bình mà Trung Quốc vẫn đeo, lộ ra nguyên hình bộ mặt bá quyền nước lớn ăn hiếp nước nhỏ, nói một đằng làm một nẻo.
“Cố tình đổi trắng thay đen”
- Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng, vì đã hoàn tất đàm phán, phân giới cắm mốc trên bộ, nên đây là thời điểm Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn tại Biển Đông?
- Không phải. Mọi hoạt động vừa qua chỉ cho thấy, Trung Quốc đang từng bước làm mọi điều vì lợi ích ích kỷ cho họ. Ngay từ giai đoạn giữa những năm 1970, khi tôi là Đại sứ tại Trung Quốc, hai bên Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán, phân định cắm mốc biên giới trên bộ, vịnh Bắc bộ. Nhưng phải đến gần đây, quá trình đàm phán mới hoàn tất.
- Ông nghĩ sao khi những ngày vừa qua, quan chức cũng như báo giới Trung Quốc đăng tải những thông tin rất sai lệch về sự việc tại biển Đông? Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ra tuyên bố, yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền và tránh tạo ra những sự cố mới?
- Tuyên bố nêu trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một lần nữa cho thấy, họ cố tình “đổi trắng thay đen”, cố tình làm cho dư luận hiểu sai bản chất của vụ việc. Nhiều nước sẽ ủng hộ chính nghĩa của chúng ta
- Trong bối cảnh này, theo ông, Việt Nam nên xử lý ra sao?
- Chính sách của chúng ta là hòa bình, xưa nay đều thế. Thời điểm này, chúng ta phải đấu tranh lý lẽ một cách quyết liệt. Họ muốn bí mật, song phương, thì ta phải công bố toàn bộ các cứ liệu lịch sử cho nhân dân ta và dư luận thế giới thấy rõ ai phải ai trái. Thế giới biết và ủng hộ thì Trung Quốc không thể hung hăng được nữa. Tôi cũng muốn nói thêm, thời đại này muốn phát động vũ lực cũng không phải dễ dàng. Ta càng đấu tranh công khai, càng quốc tế hóa thì thế của ta càng vững.
- Hiện có nhiều ý kiến lo ngại sự chia rẽ trong các nước ASEAN về vấn đề biển Đông, cũng tựa như hình ảnh chia bó đũa thiếu sự kết dính. Trung Quốc có thể lợi dụng điều này để giải quyết vấn đề biển Đông theo hướng có lợi cho họ không?
- Một là, nước nào cũng có lợi ích chung và riêng. Hai là, lợi ích trước tiên lúc này là lợi ích kinh tế. Điều đó là tự nhiên. Tất nhiên, về lý thuyết, thế giới là bình đẳng, nhưng trên thực tế, các nước lớn luôn dùng nhiều loại sức ép, cả chính trị, kinh tế và quân sự để áp đặt ý đồ của mình lên các nước nhỏ.
Trong bối cảnh đó, giải pháp tối ưu là phải xác định được thế mạnh của bản thân mình. Với trường hợp của ta, cần phải đẩy mạnh mặt trận ngoại giao, pháp lý, làm cho cả dân ta, dân họ và cả cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ. Nếu ta công khai, thì dù một số nước không có quyền lợi thiết thực gắn với biển Đông, nhưng tôi chắc rằng họ sẽ lên tiếng, ủng hộ cho chính nghĩa, lẽ phải của chúng ta, của bạn bè.
- Quay trở lại thời gian ông làm đại sứ tại Trung Quốc. Theo ông, báo giới và nhân dân Trung Quốc nhìn nhận ra sao về tranh chấp tại biển Đông?
- Nhân dân Trung Quốc phần đông rất hữu nghị, trân trọng tình cảm với nhân dân ta. Ngay trong những năm 1979 – 1989, khi anh chị em tại Đại sứ quán ta tại Trung Quốc đi chợ, nhân dân Trung Quốc vẫn đối xử vẫn bình thường.
“Trở ngại lớn nhất là tư tưởng bá quyền”
- Trung Quốc tuyên truyền ra sao về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông?
- Họ tuyên truyền rất mạnh, rằng biển Đông là biển Nam Sa của họ. Họ giáo dục rất sâu trong nhà trường, chiếm nhiều tiết học…
- Vậy theo ông, chúng ta làm thế nào nói cho nhân dân Trung Quốc hiểu được bản chất vấn đề?
- Ta cũng phải tuyên truyền, xuất bản văn kiện bằng tiếng Trung Quốc trên mạng và nhiều hình thức khác.
- Dĩ nhiên, việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông hiện nay rất phức tạp. Theo ông hiện có những tồn tại, trở ngại chính nào trong tiến trình giải quyết vấn đề?
- Trở ngại lớn nhất là tư tưởng bá quyền.
- Thời gian vừa qua, Trung Quốc liên tục phát triển sức mạnh quân sự với tàu bay, tàu ngầm, tàu sân bay. Dư luận đặt câu hỏi, vậy đâu là sức mạnh Việt Nam?
- Nói về sức mạnh, không đơn thuần chỉ bao gồm những thứ đó. Dân tộc ta đã có kinh nghiệm hàng ngàn năm lấy ít đánh nhiều, nhỏ thắng lớn. Ngoài ra còn sức mạnh thời đại, thế giới họ nhìn thấy điều đó, ta phải nói cho họ biết.
“Phải dạy lịch sử, tình yêu nước nhiều hơn nữa!”
- Muốn giải quyết những trở ngại đó, đâu là giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho Việt Nam?
- Phải đấu tranh lý lẽ, bằng các tư liệu, bằng báo chí trước tiên. Đưa lên Liên hiệp quốc, nói cái phi pháp của họ ra. Còn tình huống xấu hơn, tôi nghĩ sẽ không xảy ra, khi cả thế giới hiểu được ta có chính nghĩa. Việc đó sẽ làm Trung quốc bớt hung hăng đi. Đồng thời, chúng ta phải dạy lịch sử, tình yêu nước nhiều hơn nữa… Tôi rất buồn khi ngày nay, nhiều con trẻ thuộc sử Trung Quốc hơn cả sử ta, phim ảnh, truyền hình cũng vậy…
- Hiện có nhiều ý kiến đề nghị phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, theo ông có nên?
- Chúng ta phải tiếp tục kiên quyết đấu tranh và gửi công hàm lên Liên Hiệp quốc, tố cáo Trung Quốc vi phạm Công ước luật Biển năm 1982. Chúng ta công khai các tài liệu để đấu tranh, cho thế giới biết thực chất vấn đề.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh từng giữ các chức vụ Chính Ủy Khu 1 (1947), Cục Trưởng Cục Tổ Chức Tổng Cục Chính Trị (1950); Chính Ủy Quân Khu 1 (1958), Bí Thư Tỉnh Ủy Thanh Hóa (1961-1964), Ủy Viên Dự Khuyết Trung Ương Ðảng (1960-1976).
Theo GIÁO DỤC VIỆT NAM
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét