Minh Long

Không thể tiếp tục lạc quan về Trung Quốc
Sự lạc quan quá mức đã chuyển thành nỗi sợ về khả năng các điều thần kỳ của kinh tế Trung Quốc sẽ không còn nữa.
Không lâu trước đây, ai dự báo về khả năng kinh tế Trung Quốc chấn động đều bị dè bỉu.
Ông Nouriel Roubini, chuyên gia kinh tế nổi tiếng với dự báo chính xác về sự sụp đổ trên thị trường nhà đất Mỹ, đã phải chịu rất nhiều chỉ trích khi ông thể hiện quan điểm bi quan về kinh tế Trung Quốc. Ông Jim Chanos và Gordon Chang, tác giả của cuốn “Sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc đang tới” cũng không khá hơn.

Đột nhiên, họ đều trở thành nhà tiên tri.
Theo số liệu mới công bố tại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, quan điểm của nhóm chuyên gia bi quan được quan tâm nhiều nhất. Sự lạc quan quá mức đã chuyển thành nỗi sợ về khả năng các điều thần kỳ của kinh tế Trung Quốc sẽ không còn nữa.

Tâm lý bi quan đã lan tỏa khắp các thị trường tài chính, nhà đầu tư đua nhau tháo chạy.

Chỉ số Hang Seng theo dõi cổ phiếu của các công ty đại lục niêm yết trên TTCK Hồng Kông từ đầu năm đến nay giảm hơn 20% và có mức tăng trưởng kém nhất tại châu Á.

Hành vi bán khống trên TTCK Trung Quốc đã trở nên phổ biến đến mức chuyên gia tại ngân hàng Societe Generale của Pháp coi thị trường chứng khoán Trung Quốc như thị trường bị bán khống nhiefu nhất thế giới. Ví dụ, khoảng 30% cổ phiếu của công ty China Overseas Land & Investment đã bị bán khống trong tháng 8 và tháng 9/2011, thị trường thực sự lo lắng về triển vọng kinh doanh của công ty kinh doanh bất động sản lớn nhất Trung Quốc.

Ông Chang nói: “Thị trường đang trở nên quen hơn với tâm lý câu chuyện thành công của Trung Quốc không có nhiều ý nghĩa.”

Chuyên gia bi quan như ông Chang chỉ ra việc GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao và lạm phát cao như dấu hiệu cho thấy vấn đề tồn tại trong kinh tế Trung Quốc sẽ ngày một nhiều hơn.

Giới chuyên gia cực kỳ sợ hãi khi nói đến thị trường bất động sản Trung Quốc, lĩnh vực đóng góp khoảng 20% vào tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc. “Con đường xuống địa ngục” của bất động sản Trung Quốc cũng giống như Mỹ, nguồn vốn tín dụng quá dễ dãi khiến giá bất động sản tại Trung Quốc tăng vọt. Người mua nhà đua nhau giành giật cơ hội mua nhà dự án. Giá một căn hộ 1 nghìn feet vuông ở Thượng Hải lên tới 335 nghìn USD, gấp 45 lần thu nhập trung bình của một người dân nơi đây.

Nay bong bóng bất động sản Trung Quốc đang xì hơi. Giá bất động sản tại Trung Quốc tháng 10/2011 hạ tháng thứ 2 liên tiếp bởi các công ty kinh doanh bất động sản trong cơn tuyệt vọng đã phải hạ mạnh giá để bán nhà. Theo thống kê mới đây, trong số 35 thành phố lớn của Trung Quốc, 29 thành phố đối đầu với tình trạng doanh số bán nhà sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Doanh số bán nhà tại 6/35 thành phố giảm hơn 50%, trong đó bao gồm cả Bắc Kinh.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố không có gì đáng ngạc nhiên. Sau khi nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời khủng hoảng kinh tế để giúp kinh tế tăng trưởng, chính phủ Trung Quốc nay đang thắt chặt tín dụng để hạn chế đầu cơ.

Dường như sự tàn phá đã lên quá mức. Đằng sau thành phố toàn nhà chọc trời, cao tốc, tàu siêu tốc, người ta nhìn thấy nhiều thành phố ma, con đường vắng lặng và nhà ga không có người. Nợ công tăng quá cao đến mức có thể gây ra hậu quả tồi tệ với kinh tế Trung Quốc.

Ông Victor Shih, nhà khoa học chính trị tại Northwestern University và là một chuyên gia về Trung Quốc, chỉ ra: “Tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư nhà nước trên quy mô lớn. Nếu Trung Quốc rơi vào rắc rối, tất cả mọi đối tượng cũng sẽ như vậy.”

Kinh tế toàn cầu sẽ hưởng lợi nếu chính phủ Trung Quốc có thể cân bằng được nền kinh tế để 1,3 tỷ dân sẽ chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên khả năng này chẳng thể xảy ra bởi chính phủ Trung Quốc đã cơ cấu nền kinh tế theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp lớn nhiều hơn người tiêu dùng.

Chính phủ Trung Quốc làm được điều này bằng cách duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo. Hàng hóa của Trung Quốc trở nên rẻ hơn ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên đồng nhân dân tệ khiến lạm phát tăng cao tại Trung Quốc và hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ. Chính phủ còn giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp để giúp các công ty nhà nước vay tiền với chi phí thấp. Thế nhưng như vậy người tiêu dùng chẳng kiếm được mấy từ việc gửi tiết kiệm và phải chịu thiệt.

Chắc chắn kinh tế Trung Quốc không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao mãi. Điều cần phải chờ đợi lúc này là xem liệu kinh tế Trung Quốc có thể hạ cánh đúng theo sự định hướng của chính phủ hay mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn?
Minh Long
Theo TTVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét