TS. Lê Văn Út – Lê Thị Minh Hiếu

Buồn vì Việt Nam ít công bố về Hoàng Sa, Trường Sa!
- Đấu tranh chống lại những tuyên truyền sai sự thật của Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam phải được thực hiện bằng việc vận động quốc tế, phản biện và bác bỏ kịp thời những tuyên truyền sai trái của Trung Quốc và xuất bản ấn phẩm khoa học trên các tạp chí và báo tiếng Anh về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. 


LTS: Thời gian gần đây, nhiều học giả đã đưa ra các giải pháp quan trọng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bài viết dưới đây, hai tác giả từ ĐH Oulu,  Phần Lan bàn về khía cạnh đấu tranh lại với những tuyên truyền sai sự thật của Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bằng khoa học. Bee.net.vn xin đăng bài viết dưới đây mong muốn cung cấp thêm một góc nhìn mới về vấn đề này. Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn.

Trong thời gian qua, các học giả của Trung Quốc đi tuyên truyền về “chủ quyền” của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại các nước. Họ cũng tăng cường công bố các bài viết, các bài báo khoa học trên các tạp chí, báo tiếng Anh về vấn đề này. Nghiêm trọng hơn là các nhà khoa học Trung Quốc đã chèn “đường lưỡi bò” phi pháp, một yêu sách “chủ quyền” đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc vào các ấn phẩm khoa học.

Những hành động trên đã làm không ít người nước ngoài hiểu sai về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Bản đồ của Trung Quốc với “đường lưỡi bò” phi pháp đã xuất hiện nhiều nơi. Trước tình hình này, chúng ta cần:

1. Cảnh giác phát hiện và phản biện kịp thời giọng điệu tuyên truyền sai trái của học giả Trung Quốc tại các hội thảo về tranh chấp Biển Đông trong và ngoài nước.

2. Gửi thư phản đối khi phát hiện “đường lưỡi bò” trong các ấn phẩm khoa học hay bài viết trên báo chí.
3. Có thư cảnh báo về tính phi pháp của đường lưỡi bò và hành động sai trái của các học giả Trung Quốc gửi đến các phương tiện thông tin đại chúng, nhà xuất bản,… những nơi mà “đường lưỡi bò” có thể xuất hiện. Cũng cần kêu gọi sự tham gia của các nước trong khu vực.

4. Thực hiện các nghiên cứu một cách bài bản đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau đó công bố bài viết, công trình khoa học về vấn đề này trên các tạp chí khoa học quốc tế, báo tiếng Anh.

Làm được những việc trên, chúng ta có thể “lật tẩy” và “đánh trả” hành động tuyên truyền sai trái của Trung Quốc đối với vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng là cách để chúng ta khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa trên phạm vi toàn cầu.

Trong thời gian qua, vài tri thức Việt đã có những phản biện kịp thời đối với các giọng điệu tuyên truyền sai trái của TQ về Hoàng Sa và Trường Sa. Tri thức Việt trong và ngoài nước đã gửi thư phản đối những nơi có “đường lưỡi bò” xuất hiện và đã mang lại một số kết quả to lớn.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều công bố khoa học hay bài viết về chủ quyền trên Biển Đông trên các tạp chí khoa học hay báo quốc tế. Rất mong các cơ quan khoa học cũng như các nhà khoa học trong nước lưu tâm hơn về vấn đề này.

Theo chúng tôi được biết, TS. Nguyễn Hồng Thao là người Việt Nam có công trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đăng trên tạp chí ISI “Ocean Development & International Law” (ODIL).

Chia sẻ với chúng tôi, TS. Nguyễn Hồng Thao cho biết: “Đúng là các bài viết của tác giả Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa còn rất ít. Chúng ta kêu nhiều nhưng nghiên cứu lập luận chặt chẽ thì còn có vấn đề. Việc thiếu các bài viết chất lượng, bảo đảm tính khoa học bằng tiếng Anh trên các tạp chí quốc tế không có lợi cho cuộc đấu tranh chung”.

Ông cũng cho biết thêm: “Rất buồn là trong khi rất nhiều học giả Trung  Quốc viết về “đường lưỡi bò”, bảo vệ “đường lưỡi bò” trên ODIL, một tạp chí quốc tế về luật biển, thậm chí trong một số có hai ba bài từ Trung Quốc thì các học giả Việt Nam còn ít tiếp cận hay không để ý đến lĩnh vực này. Gần đây tôi và anh Nguyễn Đăng Thắng có viết bài phản bác “đường lưỡi bò” trên ODIL. Có lẽ đó là bài đầu tiên các học giả Việt Nam viết về ĐLB trên ODIL. Tôi cũng rất mong các nhà khoa học Việt Nam chú ý nhiều hơn nữa, có nhiều bài về Hoàng Sa, Trường Sa hơn nữa, đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.”

Cũng xin nói thêm, đã có một số tác giả người Việt ở nước ngoài có bài viết rất giá trị về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa trên các báo tiếng Anh. Chúng tôi sẽ có một bài viết riêng về vấn đề này trong thời gian tới.

L.V. U. – L. T. M. H.

Nguồn :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét