Trân Văn

Muốn hiện đại hóa quân đội, cần xác định kẻ thù

Sau khi hàng loạt tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu lạ đâm chìm và một số ngư dân Việt Nam bị lực lượng vũ trang của Trung Quốc săn đuổi, cưỡng đoạt tài sản, đánh đập, giam giữ, buộc nộp tiền chuộc,... làm người Việt vừa bất bình, vừa âu lo cho chủ quyền quốc gia. Mới đây, quốc hội, chính phủ Việt Nam bắt đầu công khai đề cập đến việc tăng cường ngân sách quốc phòng, hiện đại hóa quân đội.

Tuy nhiên, mua sắm vũ khí, phương tiện quân sự hiện đại vốn là chuyện không đơn giản. Trân Văn đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư chuyên giảng dạy vềchính trị học và bang giao quốc tế tại đại học George Mason – Hoa Kỳ về vấn đềnày...
Đãđến lúc
Trân Văn: Thưa giáo sư, tuần qua, một số đại biểu quốc hội, viên chức chính phủ và sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam bắt đầu công khaiđề cập đến nhu cầu hiện đại hóa quân đội nói chung và hiện đại hóa hải quân nói riêng, ông nghĩ thế nào về sự kiện đó?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi thấyđây là lúc người ta phải nói đến chuyện đó rồi vì người ta phải đối phó với một số diễn biến mới ở khu vực đó. Nói đến chuyện đó là phải.

Trân Văn: Thưa ông, quan sát bang giao quốc tế, có thể thấy rằng, trong nhiều trường hợp, một số quốc gia dù sẵn tiền, cũng không sắm được những phương tiện quân sự hiện đại mà họ muốn. Một số cường quốc, dù chuyên cung cấp vũ khí, phương tiện quận sựhiện đại để kiếm lời, thỉnh thoảng lại vẫn từ chối các đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la... Hình như mua – bán vũ khí, phương tiện quân sự hiện đại khôngđơn giản như mua – bán hàng hóa thương mại. Vì sao có hiện tượng này?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Thứ nhất là người ta bán vũ khí thì người ta muốn lấy tiền nhưng điểm thứ hai là người ta không muốn những vũ khí đó lọt vào tay những người mà người ta không muốn. Thí dụ như là khủng bố hay các quốc gia thù nghịch, có thể ăn cắp kỹ thuật của họ.Thành ra phần lớn chỉ bán vũ khí cho đồng minh của họ thôi. Ngay cả với đồng minh họ cũng giới hạn việc bán vũ khí đến mức độ nào đó thôi chứ không phải là bán tất cả những vũ khí tối tân nhất.

Trân Văn: Thưa ông, ông có thể khái quát những yếu tố có tính nguyên tắc, chi phối việc mua – bán vũ khí, phương tiện quân sự hiện đại, khiến cho không ít quốc gia không thể hiện đại hóa quân đội của họ như họ mong muốn?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Như tôi đã nói, việc bán vũ khí thứ nhất là vì tiền, thứ hai là vì vấn đề an ninh. Người ta chỉ bán cho đồng minh của mình thôi. Tuy nhiên có một số quốc gia lại có thái độ khác. Thí dụ như Bắc Hàn chẳng hạn. Họ rất là cần tiền cho nên gần nhưlà họ bán cho tất cả những ai muốn mua vũ khí của họ.

Trân Văn: Người ta thường bảo rằng, để có thể mua sắm vũ khí, phương tiện quân sự hiện đại, hiện đại hóa quân đội thì phải được tin cậy vềnhiều mặt. Nói nôm na là phải có đồng minh, phải được ủng hộ. Tuy nhiên, trường hợp Hoa Kỳ từ chối bán vũ khí cho Đài Loan theo yêu cầu của Trung Quốc hồi năm ngoái, bất kể Đài Loan là đồng minh còn Trung Quốc vẫn bị xem là đối thủ cho thấy trong lĩnh vực này, vấn đề phức tạp hơn nhiều...

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Không phải như thế! Trên nguyên tắc, từ xưa đến nay Hoa Kỳ vẫn bán vũ khí cho Đài Loan. Việc bán vũ khí có ý nghĩa lớn nhất là về chính trị. Từ năm 1979, Quốc hội Hoa Kỳ đã ra một đạo luật là “Taiwan Relation Act”, buộc chính phủ Hoa Kỳ có bổn phận phải bán vũ khí và giúp cho Đài Loan phòng thủ, thành ra Hoa Kỳ chỉ bán cho Đài Loan những vũ khí phòng thủ thôi. Chuyện đó vẫn tiếp tục từ xưa tới nay. Thế nhưngđã có những đợt bán vũ khí rất lớn đã xảy ra sau vụ đụng độ ở ngoài không gian, khi Tổng thống Bush mới lên đó. Vì thế Hoa Kỳ đề nghị bán một loạt vũ khí tối tân cho Đài Loan. Trung Quốc có chống thì cứ chống nhưng Hoa Kỳ không hẳn là không bán. Nói tóm lại là Hoa Kỳ vẫn bán những loại vũ khí mà Hoa Kỳ gọi là vũkhí phòng thủ cho Đài Loan.

Nhiều khi thủ tục nó chậm lại bởi vì có những mục tiêu chính trị khác.

Xác định kẻ thù

Trân Văn: Thưa ông, với thực tế mà nhiều người đã biết, trongđó có cả chuyện ông vừa giải thích, vừa giới thiệu, nếu được đề nghị góp ý cho chính quyền Việt Nam về việc hiện đại hóa quân đội, ông sẽ nói gì với chính quyền Việt Nam? Họ có cần phải điều chỉnh chính sách đối ngoại để mong muốn hiện đại hóa quân đội trở thành sự thật và thực sự hữu hiệu?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ họ đủ khả năng để họ biết họ cần gì rồi. Bây giờ, vấn đề cần đặt ra là hiện đại hóa quân đội để làm cái gì (?). Đó là vấn đề quốc gia nào cũng phải đặt ra.

Quân đội được sử dụng vào hai mục tiêu, Hoặc là đàn áp nội bộ, trường hợp này đã xảy ra ở Thiên An Môn –Trung Quốc. Sự đàn áp đó đã gây sự chống đối nơi một số tướng lãnh của quân đội Trung Quốc. Sau vụ Thiên An Môn, uy tín của quân đội giảm xuống khá nhiều, phải mất rất nhiều thời gian mới phục hồi lại được. Vì thế các nhà lãnh đạo Trung Quốcđã nói rằng, thôi, từ sau sẽ dùng lực lượng cảnh sát chứ không dùng quân đội nữa. Quân đội không chống nhân dân của mình.

Điều đó có nghĩa là phòng thủ để bảo vệ nhân dân chứ không chống nhân dân. Vậy thì bảo vệ cái gì? Bảo vệtoàn vẹn lãnh thổ! Bảo vệ chủ quyền quốc gia! Muốn như vậy thì phải định rõ ai là kẻ thù của mình. Bấy giờ mới có những vũ khí thích ứng để làm chuyện đó. Thí dụ kẻ thù gây chiến tranh du kích thì mình tìm những vũ khí chống chiến tranh du kích. Còn nếu kẻ thù hiện đại hóa thì phải tìm những vũ khí đối phó với nó.

Tóm lại, trước hết phải xác định rõ kẻ thù của mình thì mình mới làm được cái chuyện là cần có vũ khí như thế nào.

Trân Văn: Thưa ông, với chính sách đối ngoại vẫn được xem là thiếu nhất quán như đã thấy từ trước tới nay, ông có nghĩ rằng Việt Nam có thểdễ dàng mua sắm vũ khí, các phương tiện quân sự hiện đại, hiện đại hóa quân đội không?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam đã mua rồi, mua vũ khí của Nga, của Ukraine. Nói tóm lại Việt Nam đã đặt hàng rồi chứ không phải không.

Vấn đề đặt ra là muốn hiệnđại hóa quân đội thì phải xác định kẻ thù của mình là gì (?). Nếu là kẻ thù thìđừng mua vũ khí của kẻ thù hay của những quốc gia có thể bán vũ khí cho kẻ thù, những quốc gia có thể không bán cho mình vì thân thiện với kẻ thù của mình. Phải biết rõ như vậy.

Nói tóm lại muốn làm gì thì cũng phải xác định rõ kẻ thù của mình là ai (?). Thành ra bây giờ Việt Nam phải quyết định kẻ thù của mình là ai. Sau khi đã quyết định thì mới kiếm được khí giới, loại chiến tranh nào mà mình phải đối phó để mình có thể mua vũ khí phù hợp. Trên thế giới này nếu có tiền thì mua được nhiều loại vũ khí hiện đại lắm.

Trân Văn, phóng viên đài RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét