Biểu tình và xã hội dân sự
Những cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra tại hai thành phố lớn nhất nước trong những tuần đầu tháng 6 vừa qua là dấu hiệu cho thấy biểu tình đang từng bước trở lại với đời sống chính trị của nước ta. Thế nhưng, chỉ cần lướt qua một loạt các ý kiến khác nhau trên báo chí – nhất là ý kiến của các quan chức – người ta thấy có những ngộ nhận khá trầm trọng về ý nghĩa của hai chữ biểu tình.
Thật ra biểu tình là gì? Là quyền của người dân hay là hoạt động của chính quyền? Biểu tình có thật sự là nguy hiểm đối với trật tự công cộng và an ninh quốc gia hay không?
Xét một cách thật khách quan và khoa học, “mít-tinh” hay “biểu tình” là những khái niệm mang tính lịch sử, nhân loại, không thể hiểu một cách chủ quan, tùy tiện. Thiết nghĩ việc tìm hiểu thấu đáo nội dung của khái niệm “biểu tình” có thể góp phần soi sáng quan điểm của cả ba phía (Nhà nước Trung Quốc, Nhà nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam) đối với phong trào biểu tình đã và đang tiếp tục diễn ra. Bài viết này là một nỗ lực nhỏ nhoi nhằm vào mục đích thiết thực ấy.
Hán-Việt Từ điển Đào Duy Anh (1931) giải thích biểu tình 表 情 như sau: “Dân chúng tụ họp nhau để biểu thị ẩn tình và ý nguyện (meeting)”. Cách giải thích này giúp ta hiểu một cách chính xác ý nghĩa của khái niệm biểu tình, thế nhưng tác giả đã có sự nhầm lẫn khi dùng chữ meeting để so sánh, bởi vì từ này không tương đương với từ biểu tình.
Từ điển Larousse giải thích meeting (một từ gốc Anh) là “cuộc hội họp công cộng do một đảng, một công đoàn, v.v. tổ chức để thông báo hay thảo luận về một chủ đề chính trị hay xã hội” (Le Petit Larousse illustré 2011). Như vậy, chữ meeting dùng để chỉ một cuộc họp chứ không hẳn có nghĩa là biểu tình.
Trong tiếng Pháp, “biểu tình” là manifestation. Động từ manisfester có nghĩa là bày tỏ, biểu lộ, bộc lộ. Trong tiếng Anh, “biểu tình” là demonstration, động từ demonstrate vừa có nghĩa là “trình bày hay chứng minh điều gì đó một cách rõ ràng” vừa có nghĩa là “phản đối hay ủng hộ một điều gì đó ở chỗ công cộng cùng với nhiều người khác” (Longman Dictionary of Contemporary English).
Nói một cách dễ hiểu, biểu tình là “bày tỏ tình cảm”. Nhưng khác với việc bày tỏ tình cảm giữa hai người (yêu nhau hay ghét nhau), biểu tình là cách biểu lộ tình cảm của một số đông người ở chốn công cộng nhằm để ủng hộ hay phản đối một điều gì đó. Người dân Việt biểu tình trong những ngày tháng 6 vừa qua là nhằm để bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hành động vi phạm chủ quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc. Khác với sự phản kháng của một cá nhân đơn độc, và cũng khác với sự kiện nhiều cá nhân lên tiếng một cách riêng lẻ, biểu tình là tiếng nói chung của nhiều người. Vì là sự biểu lộ tình cảm của một số đông người, biểu tình cũng đồng thời là cơ hội để biểu thị nguyện vọng và ý chí chung của những người đó. Trong những hoàn cảnh nhất định, biểu tình nói lên tình cảm và nguyện vọng chung của nhân dân. Những cuộc biểu tình diễn ra trong những ngày chủ nhật 5-6, 12-6 và 19-6 vừa qua, cho dù số lượng nhiều hay ít, cũng thể hiện tình cảm và nguyện vọng chung của cả dân tộc Việt Nam.
Nguồn gốc của quyền biểu tình
Xét về nguồn gốc lịch sử, biểu tình xuất hiện cùng với trào lưu dân chủ hóa ở các nước phương Tây, trước hết là ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Quyền biểu tình thật ra không phải là một quyền riêng biệt mà được bao hàm trong quyền tự do hội họp (freedom of assembly, liberté de réunion) và là hình thức cao nhất của tự do hội họp. Nói là hình thức cao nhất vì khác với các cuộc hội họp thông thường, biểu tình là hội họp ngoài trời, ở nơi công cộng và thường kèm theo khẩu hiệu, biểu ngữ, gắn với tuần hành.
Tự do hội họp xuất hiện ngay từ buổi đầu của Cách mạng Pháp. Tuy nhiên, Bản Tuyên ngôn về Quyền Con người và Quyền Công dân (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen) ngày 26-8-1789 lại không có điều khoản nào đề cập đến tự do hội họp.
Bằng đạo luật ngày 21-8-1790, Quốc hội lập hiến (Assemblée constituante) thừa nhận rằng mọi công dân “có quyền hội họp một cách ôn hòa’. Một năm sau đó, quyền tự do hội họp đã được đưa vào Hiến pháp ngày 3-9-1791 của nước Pháp. Trong số các quyền tự nhiên và dân sự (droits naturels et civils) mà bản Hiến pháp 1791 của nước Pháp cam kết bảo đảm, ta thấy có ghi: “Tự do cho các công dân được tụ tập một cách ôn hòa và không vũ khí, với điều kiện đáp ứng đầy đủ các luật lệ của cảnh sát”.
Mặc dù được Hiến pháp công nhận, quyền tự do hội họp ở Pháp đã phải trải qua nhiều giai đoạn gặp khó khăn trong khi thực hiện, thậm chí có lúc còn bị cấm đoán. Mãi đến khi nền Đệ tam Cộng hòa (Troisième République) được thiết lập, quyền tự do hội họp mới được bảo đảm vững chắc bằng một đạo luật. Luật về tự do hội họp (Loi sur la liberté de réunion) được ban hành vào ngày 30-6-1881. Điều 1 của Luật này quy định: “Các cuộc hội họp công cộng hoàn toàn tự do. Chúng có thể diễn ra không cần có sự cho phép trước đó…”. Mặc dù cho phép người dân được tự do hội họp không cần phải xin giấy phép, Luật này đòi hỏi phải có sự khai báo (déclaration) trước khi hội họp. Mãi đến năm 1907, việc khai báo mới bị hủy bỏ.
Tại Hoa Kỳ, quyền tự do hội họp (freedom of assembly) chưa xuất hiện trong Bản Tuyên ngôn Độc lập (U.S. Declaration of Independence) năm 1776 cũng như trong bản văn chính của Hiến pháp Hoa Kỳ (được thông qua năm 1787 và được phê chuẩn trên quy mô toàn quốc vào năm 1788). Nhưng đến năm 1791, quyền tự do hội họp đã được các nhà lập pháp đưa vào 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ – thường được gọi chung là Đạo luật về Quyền (Bill of Rights).
Tu chính án số 1 (1st Amendment) có nội dung như sau: “Quốc hội sẽ không làm ra bất cứ đạo luật nào nhằm chính thống hóa một tôn giáo hay ngăn cấm việc tự do thực hành của một tôn giáo, (cũng không làm ra bất cứ đạo luật nào) để hạn chế quyền tự do ngôn luận, hay tự do báo chí, hay quyền của người dân được hội họp một cách ôn hòa và được kiến nghị lên chính quyền để sửa chữa những điều gây bất bình.”
Cũng dựa trên tinh thần đó, vào năm 1948, điều 20 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights) của Liên Hiệp Quốc ghi rõ: “(1) Mọi người có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình (2) Không ai có thể bị bắt buộc phải gia nhập vào một hiệp hội nào.”
Ngày nay, ở bất cứ quốc gia dân chủ nào, quyền tự do hội họp cũng là một trong những quyền căn bản của người công dân được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, khác với các cuộc hội họp bình thường, biểu tình là hội họp ngoài trời, ở nơi công cộng cho nên luật pháp thường quy định những giới hạn để tránh gây trở ngại đến trật tự công cộng, an ninh chung của xã hội.
Có thể lấy ví dụ từ nước Đức. Điều 8 của Luật cơ bản (Basic Law, Grundgesetz, tức Hiến pháp của nước Đức) quy định công dân có quyền hội họp một cách ôn hòa và không có vũ khí, không cần báo trước hay xin phép trước. “Đối với các cuộc hội họp ngoài trời (open-air meetings), quyền này có thể bị hạn chế hoặc phải dựa theo một đạo luật”. Luật hội họp (Assembly Law) của nước Đức quy định: Bất cứ người nào có kế hoạch tổ chức một cuộc họp ngoài trời đều phải đăng ký trước và phải khai báo về bản chất của sự kiện (event), phải ghi rõ tên của người chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc biểu tình hay mít-tinh. Cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép sự kiện được diễn ra theo dự kiến hay ngược lại, ra lệnh cấm nếu xét thấy sự kiện này có thể gây nguy hiểm tức thời cho an ninh hay trật tự công cộng. Trong trường hợp bị cấm hội họp ngoài trời, những người dự định tổ chức biểu tình có thể kiện lên Tòa án Hành chính cấp bang và sau đó, có thể kháng cáo lên Tòa án cấp trên (Tòa án Hành chính Tối cao cấp bang hay Tòa án Hiến pháp Liên bang).[1]
Biểu tình là ôn hòa hay bạo động?
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam về các cuộc biểu tình ngày 5-6-2011 đã đánh giá rằng tin tức trên “một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước” về “các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc” là “thông tin sai sự thật”. Thay vì gọi đó là các “cuộc biểu tình” hay “tuần hành”, bản tin nói trên cho rằng chỉ có “một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh để thể hiện tinh thần yêu nước…”
Vào ngày 16-6, ông Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải thích như sau:
“Sự việc mà độc giả nêu kỳ thực là do một số người dân Thủ đô Hà Nội và TP HCM bất bình trước sự việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Binh Minh 02. Sự việc này gây ra bức xúc, theo tôi sự phản đối và tình cảm này rất dễ hiểu. Vì người dân của mình, nhất là người trẻ đã họp nhóm lại tập trung trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa. Thậm chí nhiều người có khẩu hiệu phản đối hành động của Trung Quốc bằng giấy A4 nhưng với thái độ bình tĩnh.
Tôi cho rằng cách đưa tin như thế là được. Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi. Theo tôi thì đó là hành động người Việt Nam biểu thị lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phản đối nước ngoài đối với quyền chủ quyền của mình. Bản chất sự việc là như thế. Còn TTXVN và một số báo đưa tin tụ tập đông người… đây là việc không nên tranh cãi, bởi vì các cơ quan chức năng cho biết không có một hành động quá khích nào.”[2]
Như vậy là theo ông Tiến sĩ này, những hành động như “họp nhóm lại tập trung trước cổng lãnh sự quán Trung Quốc” nhưng “có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa”, “phản đối… với thái độ bình tĩnh”, “không có hành động quá khích nào” thì không thể gọi là “biểu tình”. Ông còn lý sự: “Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi.”
Vậy thì biểu tình là ôn hòa hay quá khích, bất bạo động hay bạo động, trật tự hay mất trật tự?
Luật pháp của nước Pháp phân biệt biểu tình (manifestation) với tụ tập gây náo loạn (attroupement) – một thuật ngữ pháp lý đặc biệt. Theo định nghĩa tại điều 431-3 của Luật hình sự (Code pénal), “tụ tập gây náo loạn” là “tất cả các cuộc tập hợp của nhiều người trên đường đi công cộng hay trong một địa điểm công cộng có thể gây xáo trộn cho trật tự công cộng”. Một cuộc tụ tập gây náo loạn có thể bị lực lượng giữ gìn trật tự giải tán sau hai lần ra lệnh giải tán mà không có hiệu quả.[3]
Cần lưu ý là trong bản dịch tiếng Anh, attroupement được dịch là “unlawful assembly” (tụ tập bất hợp pháp). Như vậy, “tụ tập gây náo loạn” là hành động phi pháp, trong khi biểu tình (manifestation) là hoạt động hợp pháp. Theo quy định của sắc lệnh-luật (décret-loi) ngày 23-10-1935, mặc dù không cần phải xin giấy phép nhưng những người tổ chức biểu tình phải khai báo trước (déclaration préalable) theo đúng thủ tục.[4]
Trong tiếng Anh, người ta cũng phân biệt rất rõ biểu tình (demonstration) với tụ tập bạo động (riot). Từ điển Longman định nghĩa tụ tập bạo động (riot) như sau: “một tình huống mà một số đông người cư xử theo cách dùng bạo lực và không bị kiềm chế, đặc biệt là khi đám đông phản kháng về một điều gì đó”. Động từ tụ tập bạo động (to riot) càng nói rõ hơn về điều này: “Nếu một đám đông người tụ tập bạo động, họ hành xử theo cách dùng bạo lực và không bị kiềm chế, ví dụ như chống lại cảnh sát và gây hư hại cho xe cộ hay các tòa nhà”.
Trong cụm từ “quyền của người dân được tụ tập một cách ôn hòa” (the right of the people peaceably to assemble) của Tu chính án số 1, các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ đã sử dụng một từ bổ nghĩa “peaceably” (một cách ôn hòa) để nhấn mạnh rằng hiến pháp chỉ bảo đảm quyền tự do hội họp khi quyền này được thực hiện một cách ôn hòa. Nói cách khác, nếu một nhóm người tập hợp để khởi sự một cuộc tụ tập để phá rối trật tự hoặc gây bạo động để lật đổ chính quyền, họ không thể dựa vào một quyền được bảo đảm bởi Hiến pháp.
Ngày nay, nhằm để ngăn ngừa các cuộc tụ tập phá rối, tụ tập bạo động, bạo loạn do những thành phần cực đoan của cánh tả hoặc cánh hữu gây ra, các quốc gia dân chủ đã thành lập lực lượng cảnh sát chống bạo động (riot police)[5]. Cùng với việc hình thành lực lượng này là các loại vũ khí không sát thương (non-lethal weapons) hay ít sát thương (less-lethal weapons): lựu đạn cay, đạn cao su, vòi rồng, v.v. Mục đích là giải tán đám đông nhưng tránh gây thương vong. Chỉ có chính quyền tại các quốc gia phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu mới sử dụng biện pháp chống bạo động một cách tùy tiện: như dùng súng bắn đạn thật, thậm chí cả xe tăng, để bắn vào những người dân biểu tình ôn hòa (vụ đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn – Bắc Kinh, 3 và 4-6-1989). Ở nước ta, có nơi còn dùng “cảnh sát cơ động” để giải tán những người dân oan tụ tập khiếu kiện trước các trụ sở tiếp dân, thậm chí giải tỏa nhà và chiếm đất của dân để cấp cho các vị quan chức.
Như vậy, dưới các chế độ dân chủ được mệnh danh là “tư sản”, biểu tình không phải là tụ tập gây bạo loạn nhằm gây mất trật tự công cộng hay lật đổ chế độ. Biểu tình là một quyền được hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Chính phủ ở các nước này không thể viện cớ ngăn ngừa bạo loạn, lật đổ để bác bỏ quyền tự do hội họp, biểu tình, tuần hành của người dân. Ngược lại, trong các quốc gia phi dân chủ, chính quyền luôn viện cớ ngăn ngừa bạo loạn, lật đổ để ngăn cấm mọi hình thức tụ tập, kể cả biểu tình hay hội họp ôn hòa.
Việc những người có thẩm quyền như ông Tiến sĩ Phó Trưởng ban Tuyên giáo nói trên quan niệm một cách sai lệch về biểu tình cho thấy không có sự phân biệt giữa biểu tình ôn hòa và tụ tập bạo động và cũng không hề tôn trọng quyền biểu tình và tự do hội họp của người dân. Chế độ toàn trị biến biểu tình thành hai chữ cấm kỵ, đặt khái niệm biểu tình vào phạm trù “vấn đề nhạy cảm”, cho dù những người sáng lập nên chế độ toàn trị hiện nay cũng chính là những người xưa kia đã từng đi đầu trong việc đấu tranh đòi hỏi thực hiện quyền “biểu tình”.
Điều mỉa mai là trong khi báo chí nước ngoài (kể cả các kênh truyền hình như BBC của Anh, NHK của Nhật Bản,…) cũng như báo chí “lề trái” đã trình bày biết bao tin tức và hình ảnh phong phú, sinh động về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở hai đầu đất nước thì hơn 700 tờ báo trong nước vẫn không dám nhắc đến hai chữ “biểu tình”. Điều đó nói lên thực chất của cái-gọi-là “quyền tự do báo chí” trong một chế độ tự xưng là “dân chủ gấp triệu lần so với nền dân chủ tư sản”!
Biểu tình là quyền của công dân hay là quyền của Nhà nước?
Vào ngày 5-6-2011, giữa lúc các cuộc biểu tình nổ ra tại quốc nội thì Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đang tham dự diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La tại Singapore. Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông cho biết đã nhận được thông tin về các cuộc biểu tình qua điện thoại. Ông thừa nhận: “”Cuộc tuần hành theo tôi được biết đã diễn ra bình tĩnh, trật tự, không cản trở giao thông và cũng không mang các biểu ngữ mang tính kích động.” Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng: “Đây là hành động tự phát của người dân” và tâm sự với đài BBC rằng theo “quan điểm của riêng ông”, các hoạt động biểu tình như trên là “không nên, dù đây là bắt nguồn từ lòng yêu nước”.[6]
Sự lo ngại của Tướng Vịnh không phải là vô cớ. Muốn biết rõ tại sao các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại lo ngại về các cuộc “biểu tình”, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu những phản ứng từ phía Trung Quốc.
Người bộc lộ ý kiến rõ ràng nhất về vấn đề này có lẽ là ông Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh thuộc Viện Luật pháp Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội Trung Quốc. Trả lời đài BBC, ông này nhận định: “Tôi cho là nếu không có việc Chính phủ bật đèn xanh, thì biểu tình không thể xảy ra được ở Việt Nam. Hãy nhớ sau các cuộc biểu tình cuối năm 2007 Chính phủ Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn biểu tình như thế nào.” Chẳng những tỏ ra bực bội về các cuộc biểu tình, ông ta còn lên giọng khuyến cáo: “Quan điểm của tôi là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được dàn xếp một cách hòa bình giữa hai nhà nước, thông qua thương lượng. Những cuộc biểu tình như vừa qua sẽ không giúp ích gì cho tiến trình này.”[7]
Như vậy, ở cả hai phía – Việt Nam lẫn Trung Quốc – quan niệm chính thống vẫn cho rằng biểu tình không phải là quyền của người dân. Chính vì vậy, khi biểu tình xảy ra, một bên (Trung Quốc) cho rằng biểu tình là do Nhà nước (Việt Nam) xúi giục, bật đèn xanh, còn bên kia (Nhà nước Việt Nam) tìm cách thoái thác trách nhiệm, sợ đối phương chê trách hay trừng phạt mình về việc “bật đèn xanh” cho các cuộc biểu tình.
Như phần trên đã trình bày, trong các quốc gia dân chủ, biểu tình là quyền của công dân, Nhà nước có trách nhiệm ban hành luật pháp để người dân thực thi quyền đó. Nhà nước không chịu trách nhiệm về nội dung của các cuộc biểu tình. Nhưng chế độ chính trị ở Việt Nam và ở Trung Quốc đều là chế độ toàn trị (totalitarianism, totalitarisme), toàn bộ xã hội dân sự đều bị Đảng Cộng sản kiểm soát, khống chế. Biểu tình của người dân bị triệt tiêu, toàn bộ các cuộc hội họp, mít-tinh, biểu tình,… đều do các đoàn thể của Đảng đứng ra tổ chức và được Nhà nước giám sát chặt chẽ nhằm phục vụ cho ý đồ, mong muốn của người cầm quyền. Chính vì thế khi xảy ra biểu tình, phía Trung Quốc mới có cớ để trách móc, quy trách nhiệm cho Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nếu chế độ chính trị ở Việt Nam là một chế độ dân chủ thì quyền biểu tình và tự do hội họp được bảo đảm. Trong trường hợp đó, không thể xảy ra trường hợp chính phủ của Trung Quốc có quyền trách cứ chính phủ Việt Nam rằng “Tại sao để cho người dân biểu tình làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước?”. Nhất là khi tình hữu nghị ấy chỉ là một “huyền thoại”, một “chiêu bài” để che giấu mối quan hệ “thực dân mới – thuộc địa kiểu mới” trong thực tế.
Xem ra việc tước đoạt quyền biểu tình và tự do hội họp của người dân lại gián tiếp có lợi cho chính sách bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Tại sao người dân phải đi biểu tình theo kiểu “xé rào”?
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC nói trên, tướng Nguyễn Chí Vịnh còn nhắn nhủ: “Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc.” Đây cũng chính là suy nghĩ chung của phần lớn các cấp lãnh đạo ở nước ta hiện nay.
Thế nhưng người dân làm sao có thể tin vào Đảng và Nhà nước khi mà từ bộ máy cầm quyền cho đến quân đội đều thể hiện một lập trường nước đôi, một thái độ không rõ ràng trước những hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc?
Hãy thử nêu ra vài dẫn chứng:
- Biết bao lần ngư dân Việt Nam bị bắt, bị cướp bóc, không thấy có tàu hải quân nào đứng ra bảo vệ. Khi tàu Bình Minh 2 và tàu Viking II bị cắt cáp, cũng không hề thấy bóng dáng con tàu nào của hải quân. Vào đêm 8-6-2011, tại Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mạnh mẽ “ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn quân” trong việc bảo vệ chủ quyền “trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc”. Thế nhưng chỉ 10 ngày sau đó, vào ngày 18-6, ngay giữa lúc tình hình Biển Đông cực kỳ căng thẳng, mặc cho các nhà ngoại giao lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, Hải quân Việt Nam lại thể hiện thái độ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước” bằng cách cử hai chiếc tàu lên đường để “tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ” và “giao lưu hữu nghị với Hải quân Trung Quốc”.[8] Bất cứ ai cũng phải đặt dấu hỏi: Việt Nam có một hay hai Nhà nước và quân đội tuân theo lệnh của Nhà nước nào?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện khi đăng lại tin này trên blog của ông, đã bình luận như sau: “Tôi thực sự hoang mang khi đọc tin này của Báo Quân Đội Nhân Dân, cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng VN. Tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải VN – vào rất sâu – trong 4 tiếng đồng hồ, cắt cáp và uy hiếp ta, không thấy tàu Hải quân Việt Nam có hành động kiên quyết để đáp trả. Ngày 26.5 cắt cáp, đến chưa đầy tuần sau lại tiếp tục gây hấn, vào sâu trong lãnh hải Việt Nam để quấy phá một cách ngang ngược kiểu côn đồ, xã hội đen. Chủ quyền quốc gia bị xâm phạm là một việc hết sức nghiêm trọng. Vậy mà nay hai con tàu của ta – thật lạ – lại thực hiện chuyến thăm, giao lưu hữu nghị với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Chúng tôi vô cùng hoang mang khi đọc được tin này! Phải chăng là…”[9]
- Còn thái độ của các “đoàn thể nhân dân” do Đảng lãnh đạo?
Ngày 9-6-2011, chỉ bốn ngày sau khi các cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, một phái đoàn của cái-gọi-là “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” do Phó Chủ tịch Trần Hoàng Thám dẫn dầu đã có mặt tại Bắc Kinh để “thăm hữu nghị Trung Quốc”. Không biết do vô tình hay hữu ý, phía Trung Quốc đã sắp xếp cho phái đoàn này sang thăm Tây Tạng. Theo lời tường thuật của đài CRI (Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc), vào ngày 12-6, tại thủ phủ của Tây Tạng: “Phó Chủ tịch Trần Hoàng Thám nói, trong thời gian ở thăm, Đoàn đại biểu đã chứng kiến các sự nghiệp của Khu Tự trị Tây Tạng phát triển bừng bừng, diện mạo thành phố và nông thôn hoàn toàn thay đổi, nhân dân an cư lạc nghiệp, đã tìm hiểu được một Tây Tạng chân thực, sau khi về nước sẽ giới thiệu Tây Tạng chân thực cho nhân dân Việt Nam, để nhân dân Việt Nam hiểu thêm về Tây Tạng.”[10]
- Cuối cùng, làm sao để người dân có thể tin vào Đảng và Nhà nước khi mà về phía Trung Quốc, các hành động xâm lược ngày càng công khai, trắng trợn (khẳng định chủ quyền bằng “đường lưỡi bò”, liên tục cướp bóc ngư dân Việt Nam, xâm phạm lãnh hải, chuẩn bị đưa dàn khoan khổng lồ trị giá gần 1 tỷ đô-la ra Biển Đông, chuẩn bị hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên để hù dọa vùng Đông Nam Á) thì về phía Việt Nam, các nhà lãnh đạo trước sau như một vẫn trân trọng giữ gìn “16 chữ vàng”, không cần phân biệt đó là “vàng thật” hay “vàng giả”?
Cũng chính vì thiếu lòng tin vào cách giải quyết của Đảng và Nhà nước nên bất chấp mọi sự cấm đoán, mọi biện pháp răn đe, người dân Việt bằng cách này hay cách khác vẫn tìm cách “xé rào” để thực hiện quyền biểu tình của mình. Từ cuối năm 2007 đến nay, đã có biết bao người dân yêu nước bị bắt giam, bị tù đày hay bị sách nhiễu bằng đủ mọi cách, nhưng những cuộc biểu tình vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy lòng yêu nước trong nhân dân ta vẫn chưa bị hủy diệt.
Vì thế chúng ta vẫn có thể tin vào một chân lý: Không ai có thể mua chuộc hay khuất phục được cả một dân tộc!
Mà một dân tộc thì bao giờ cũng lớn hơn, vĩ đại hơn rất nhiều so với một lãnh tụ, một “tập thể lãnh đạo” hay một “đảng lãnh đạo”!
Đà Lạt 22-6-2011
M. T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
[1] “Freedom of Assembly, Demonstration, and Petition”, S. African Law Resource:
[2] Giao lưu trực tuyến với Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ và Trung tướng Hữu Ước, Công an Nhân dân 16-6-2011 :
[3] Code pénal, Livre IV, Titre III, Chapitre Ier, Section 2, Article 431-3: http://www.legifrance.gouv.fr/
[4] Décret-loi portant réglementation des mesures relatives au renforcement du maintien de l’ordre public (in French) (23 octobre 1935):
[5] Trước 1975, ở miền Nam gọi là cảnh sát dã chiến, ngày nay gọi là cảnh sát cơ động.
[6] “Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam”, BBC 5-6-2011:
[7] “Nguy cơ xung đột Việt-Trung có leo thang?”, BBC 8 tháng 6, 2011:
[8] Hai tàu Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường đi tuần tra liên hợp và thăm Trung Quốc, QĐND 18/06/2011:
[9] Tin lạ: Hai con tàu lạ đi thăm những con tàu lạ ở nước lạ, Blog Nguyễn Xuân Diện 18-6-2011:
[10] “Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm Tây Tạng”, CRI 13-6-2011: http://vietnamese.cri.cn/421/2011/06/13/1s156633.htm
[1] “Freedom of Assembly, Demonstration, and Petition”, S. African Law Resource:
[1] Giao lưu trực tuyến với Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ và Trung tướng Hữu Ước, Công an Nhân dân 16-6-2011 :
[1] Code pénal, Livre IV, Titre III, Chapitre Ier, Section 2, Article 431-3: http://www.legifrance.gouv.fr/
[1] Décret-loi portant réglementation des mesures relatives au renforcement du maintien de l’ordre public (in French) (23 octobre 1935):
[1] Trước 1975, ở miền Nam gọi là cảnh sát dã chiến, ngày nay gọi là cảnh sát cơ động.
[1] “Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam”, BBC 5-6-2011:
[1] “Nguy cơ xung đột Việt-Trung có leo thang?”, BBC 8 tháng 6, 2011:
[1] Hai tàu Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường đi tuần tra liên hợp và thăm Trung Quốc, QĐND 18/06/2011:
[1] Tin lạ: Hai con tàu lạ đi thăm những con tàu lạ ở nước lạ, Blog Nguyễn Xuân Diện 18-6-2011:
[1] “Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm Tây Tạng”, CRI 13-6-2011: http://vietnamese.cri.cn/421/2011/06/13/1s156633.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét