Giải pháp cho tranh chấp Biển Đông?
Tiến sĩ Rory Medcalf từ Viện Lowy danh tiếng của Úc là đồng tác giả báo cáo về Biển Đông
Một báo cáo chi tiết từ Australia đã đưa ra những khuyến cáo để giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông và tránh khả năng xung đột leo thang thành chiến tranh.
Một báo cáo, được công bố tuần này, nói các sự cố giữa tàu và máy bay của Trung Quốc với tàu thủy và phi cơ của các nước khác trong vài năm trở lại đây cho thấy mức độ va chạm tăng lên và khả năng có xung đột vũ trang không phải là không tưởng.
Báo cáo, của hai tác giả chính là các ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy ở Sydney và Raoul Heinrichs, học giả của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Úc, cũng đưa ra những gợi ý để làm giảm căng thẳng tại các Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Với tên gọi 'Khủng hoảng và Niềm tin: Các Quốc gia Lớn và An toàn Hàng hải ở Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương', báo cáo điểm lại một loạt các sự cố xảy ra giữa hải quân và không quân Trung Quốc với hải quân và không quân các quốc gia Châu Á và Hoa Kỳ.
Báo cáo mở đầu với sự cố với tàu do thám Impeccable của Hoa Kỳ hồi năm 2009 khi tàu này bị gần 10 tàu Trung Quốc bao vây và phá phách thiết bị do thám của tàu.
Các tàu Trung Quốc dường như đang ngày càng bạo dạn khi đi tuần tra và trong một số trường hợp đã thể hiện sự sẵn sàng mạo hiểm khi bám đuôi hoặc đi song song với tàu của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Sang năm 2010, hai học giả Úc nói, Trung Quốc đã tập trận hải quân lớn ở gần đảo Okinawa của Nhật Bản và trong đợt tập trận này trực thăng của Trung Quốc đã "trêu ngươi" tàu của Nhật khi bay cách tàu đối phương chỉ 90m.
Trong khi đó Nhật Bản đã bắt một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc khi tàu này đâm vào tàu tuần duyên của Nhật Bản ở gần đảo Shenkaku mà Nhật đang chiếm đóng.
Hai học giả từ Australia nhận định: "Các tàu Trung Quốc dường như đang ngày càng bạo dạn khi đi tuần tra và trong một số trường hợp đã thể hiện sự sẵn sàng mạo hiểm khi bám đuôi hoặc đi song song với tàu của Hoa Kỳ và Nhật Bản."
Máy bay chiến đấu
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011, hàng loạt các sự cố đã xảy ra trên Thái Bình Dương.
Nhật Bản nói Trung Quốc đã thiếu nhạy cảm khi cho máy bay do thám bay ở gần đảo Shenkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) khiến Nhật Bản phải cử máy bay chiến đấu lên ngăn chặn.
Sự việc xảy ra ngay sau khi Nhật Bản chịu hậu quả khủng khiếp của sóng thần và thảm họa hạt nhân.
Cũng trong nửa đầu năm 2011, ngoài các sự cố xảy ra giữa tàu của Trung Quốc và tàu thăm dò địa chất của Việt Nam còn có vụ trạm chán giữa tàu khảo sát dầu khí của Philippines và hai tàu tuần tra của Trung Quốc ở khu vực Bãi Cỏ Rong mà Philippines nói hoàn toàn nằm trong đặc khu kinh tế của họ.
Nhật Bản từng bắt giữ tàu cá Trung Quốc tại đảo Shenkaku mà họ đang chiếm giữ
Quân đội Philippines cũng đã phải cử máy bay chiến đấu ra can thiệp trong vụ này.
Hai học giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs nói các quốc gia có liên quan cần tiếp tục cố gắng xây dựng niềm tin với Trung Quốc trong khi Hoa Kỳ cần tiếp tục trấn an đồng minh và răn đe Trung Quốc.
Các biện pháp khác mà hai tác giả đưa ra bao gồm:
Liên tục cố gắng tác động để các cuộc thảo luận trong nội bộ Trung Quốc thiên về hướng tiếp tục đối thoại quân sự với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Thực hiện đúng đắn việc thiết lập đường dây nóng an toàn hàng hải giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc và Trung Quốc - Nhật Bản nhằm có phản ứng tức thì đối với các sự cố.
Cải thiện việc xử lý khủng hoảng và cơ chế phối hợp giữa các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ và điều này cũng có thể tạo ra tấm gương cho Trung Quốc.
Tiếp tục cố gắng của các nước cỡ trung bình, nhất là Australia, để tiếp tục có liên hệ quân sự với Trung Quốc ngay cả vào những lúc quan hệ của các quốc gia lớn đang căng thẳng.
Nghiêm túc chú ý tới các sự cố hàng hải tại các diễn đàn quốc gia đa phương.
Một số nhà nghiên cứu cũng nhận định khả năng xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông hiện không lớn nhưng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích của vùng biển này sẽ luôn là ngòi nổ cho các sự cố trong tương lai.
Họ cũng nói cách ứng xử của Trung Quốc trên biển còn liên quan tới tình hình nội bộ của Trung Quốc và quyền lực ngày càng mạnh lên của các tỉnh duyên hải so với chính quyền Trung ương.
Việc ra báo cáo này cũng cho thấy sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu Australia về Biển Đông cũng như an ninh khu vực Thái Bình Dương.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/06/110627_south_china_sea_tension.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét