David Brown

ASEAN giống như con tàu đang trôi giạt trên Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền ở biển Đông bùng lên trong những tuần lễ gần đây đã biến thành một vụ cãi nhau không chỉ liên quan đến một vài nước láng giềng với nhau, mà còn quyết định tới một phép thử thực tiễn về quan niệm cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể phát triển một mối quan hệ “tích cực, hợp tác và toàn diện”.


Tranh chấp chủ quyền đối với 10 nước thành viên ASEAN giống như vết thương kinh niên mưng mủ đã nhiều năm nay nhưng chưa đến mức gây tàn tật. Nay thì việc Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò dầu khí tại vùng biển mà Việt Nam và Philippines khẳng định chủ quyền, đã đưa những vấn đề biển Đông trở lại tình trạng khủng hoảng. Và hành động thách thức trơ tráo của Bắc Kinh đối với bộ nguyên tắc ứng xử đã được ASEAN ký kết năm 2002 đang thử thách xem liệu tổ chức này có còn tiếp tục đóng vai trò phù hợp nữa hay không trong những vấn đề an ninh khu vực.

Tác động của các tình huống diễn ra đã định hình nghị trình và nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc gặp gỡ đa phương sắp diễn ra. Cuộc gặp gần đây nhất sẽ là Diễn đàn Khu vực châu Á tại Bali, Indonesia, nơi ngoại trưởng các nước ASEAN và ngoại trưởng các nước khác có liên quan, sẽ gặp nhau từ ngày 22-23 tháng 7. Ngoài ra Indonesia còn tiếp đón lãnh đạo các nước trong khu vực và thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào giữa tháng 11 năm nay. 

Tranh chấp chủ quyền là một vấn đề ẩn chứa nhiều cạm bẫy nguy hiểm, đó là lời của nhà nghiên cứu Maria Monica Wihardja, người Indonesia. “Trong lúc Mỹ chỉ muốn đưa những vấn đề an ninh gay go ra thảo luận công khai – trong đó có vấn đề tự do hàng hải và ngăn chặn sự thống trị bành trướng trên biển Đông – thì Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để tránh điều đó”.   Bà đã viết như vậy trên trang web của Diễn đàn Đông Á (Úc) và lưu ý rằng, Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo trong một chuyến viếng thăm gần đây tới Indonesia, đã lặp lại rằng, ASEAN nên tiếp tục ngồi ở “ghế của người lái xe” tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Năm ngoái, tại Diễn đàn Khu vực châu Á, Trung Quốc và Mỹ đã va chạm nhau dữ dội. Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, đã tái nhấn mạnh các lợi ích chiến lược của Mỹ ở biển Đông. Phát biểu của bà đã được sáu trong số mười nước thành viên ASEAN ca ngợi; và ngoại trưởng Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, đã nhận thức rõ rằng, ông ta đã bị phục kích.

Kể từ đó, dường như Trung Quốc có ý định chứng minh rằng, họ ngày càng có đủ khả năng quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng, cả ở vùng biển có tranh chấp với Nhật Bản (khu vực các đảo Senkaku) lẫn ở biển Đông. Hôm 15 tháng 6, ngày mà chiếc tàu tuần tra hiện đại nhất của Trung Quốc, tàu Haisun 31, trọng tải 3.000 tấn có mang theo trực thăng, rời Quảng Đông để đi thăm Singapore, thì Lực lượng Giám sát Biển Trung Quốc (CMS) đã thông báo kế hoạch phát triển thêm hai phần ba số lượng tàu tuân tra 260 chiếc và 9 máy bay hiện có của họ vào năm 2020.

Trong các vụ đụng độ gần đây ở biển Đông, Trung Quốc đều cho rằng lực lượng của họ là nạn nhân của hành động gây hấn của Philippine và Việt Nam, tuyên bố này đã bị bác bỏ bởi băng video ghi lại một số sự cố. Bị hỏi về những sự cố này, các quan chức hải quân Trung Quốc đã chối bỏ trách nhiệm, cho rằng đó là vận đề cánh sát do Lực lượng Giám sát Biển Trung Quốc (CMS) điều khiển. Trong lúc đó, người phát ngôn của chính quyền trung ương [Trung Quốc] lại khẳng định rằng CMS đã tham gia vào “hoạt động thực thi pháp luật bình thường… tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” và tiếp tục cam kết “hợp tác với các bên để tìm kiếm một giải pháp cho những tranh chấp liên quan“.

Các nhà phân tích có lòng khoan dung hơn thì lý giải thái độ nói trên của Trung Quốc là vì chính sách của Trung Quốc là không nhất quán. Kể từ hôm 9 tháng 6 đến nay, không có thêm tin tức về các vụ xung đột nào nữa. Giải thích của Trung Quốc về cuộc họp hôm 25 tháng 6 tại Honolulu với đại diện ngoại giao cao cấp của Mỹ và tại Bắc Kinh với một đặc phái viên của Hà Nội đã cố tình ám chỉ là cuộc khủng hoảng đã tạm thời chấm dứt.

Bên Trung Quốc đã cho rằng phía Mỹ đồng ý cuộc tham vấn diễn ra một ngày ở Honolulu, một cuộc trao đổi về các chính sách và mục tiêu hướng tới diễn đàn khu vực từ 22-23 tháng 7, cuộc gặp Thượng đỉnh Đông Á và các cuộc gặp gỡ đa phương khác, là “thân thiện, thẳng thắn và có tính xây dựng”. Trong khi đó, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện, và ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, lại đồng ý “đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc’”, theo bản thông cáo báo chí chung.

Bản tin lạc quan từ Honolulu là điều chẳng có gì ngạc nhiên, mặc dù những lời cảnh báo thẳng thừng của Bắc Kinh trước cuộc họp rằng, ngoài vấn đề về tự do hàng hải thì Mỹ nên để mặc các vấn đề liên quan đến biển Đông cho những nước trực tiếp liên quan, nếu Mỹ không muốn “bị bỏng vì lửa”.

Sau những vụ đấu khẩu gay gắt với Trung Quốc hồi năm 2010, trong đó có những lời qua tiếng lại tại diễn đàn khu vực tại Hà Nội thì Washington đã đầu tư rất nhiều công sức để điều chỉnh lại mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Chuyến viếng thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hồi tháng 1 đã làm tốt hơn cả một sự hòa giải. Những người tham dự tuyên bố rằng các cuộc gặp giữa Hồ Cẩm Đào và Obama đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ song phương, và rằng quan hệ xây dựng giữa hai nước là thật cần thiết.

Tại thời điểm đó, báo New York Times đã nhận xét rằng, tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông “không hề xuất hiện” trong chương trình nghị sự của Hồ trong chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ. Báo Times kết luận rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc “vui mừng để cho vấn đề [biển Đông] lắng xuống, có lẽ vì mục tiêu chính của Trung Quốc là làm dịu mối quan hệ với chính quyền Obama”. Nhưng việc Trung Quốc bắt đầu lên gân cốt ở biển Đông hồi tháng 3 đã khiến cho người ta nghi ngờ những điều được cho là sự hòa dịu Trung – Mỹ được xây dựng dựa trên đó.

Những hành động bao gồm quấy nhiễu ngư dân Việt Nam (giờ đây là chuyện xảy ra thường xuyên theo thời vụ), cắm cọc “không xâm phạm” trên các bãi đá ngầm ở gần Philippines và quấy nhiễu các tàu khảo sát dầu khí. Những hành động gần đây nhất liên quan đến các vụ cố tình cắt cáp hai tàu của một công ty dầu khí quốc gia Việt Nam và một chiếc tàu thứ ba có hợp đồng với một công ty Philippine ở ngay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (321 km) được Hà Nội và Manila tuyên bố khẳng định chủ quyền, đều chưa từng có tiền lệ.

Ngôn ngữ mềm dẻo, nghị trình cứng rắn

Nhìn kỹ vào bức tranh lớn hơn, các quan chức ở Washington không phải đã từ bỏ những nguyên tắc mạnh mẽ đã được bà Clinton phát biểu tại Diễn đàn Khu vực châu Á hồi năm ngoái, trong đó có việc Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho những tuyên bố chủ quyền trái ngược.

Tuy nhiên một điều dễ thấy là các quan chức Mỹ vẫn giữ giọng kiềm chế khi lên tiếng bình luận. Họ gọi những hành động của Trung Quốc là “gây rắc rối” khi mà hàng chục tính từ mạnh hơn như “quá đáng” hoặc “khiêu khích” mới là phù hợp.

Washington đã từng nhấn mạnh rằng Mỹ “không đứng về phe nào” trong các tranh chấp lãnh thổ. Cái ý “không đứng về phe nào” là tinh ranh, trừ phi Mỹ tiếp tục tin rằng những tuyên bố tranh chấp quốc gia phải được giải quyết theo “thông lệ quốc tế”.

Nói như thế, Washington muốn nói rằng các nguyên tắc xác định ranh giới của một vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải được xác nhận trong UNCLOS, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, có hiệu lực năm 1994 và đã được 161 nước phê chuẩn.

Nếu áp dụng những nguyên tắc của UNCLOS cho vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là của họ, một dải kéo dài về phía nam cách Đảo Hải Nam khoảng 1000 cây số, dù có tính toán thế nào đi nữa thì Trung Quốc cũng chỉ còn lại có hai phần ba vùng biển gần Quần đảo Hoàng sa ở phía đông bắc và hoàn toàn không có vùng biển Quần đảo Trường Sa ở phía nam.

Các nguyên tắc của UNCLOS cũng không cho phép Trung Quốc sử dụng các đường cơ sở tính từ các đảo nhỏ ở Hoàng Sa để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của họ. Vì thế, Trung Quốc đặt tuyên bố khẳng định chủ quyền của họ trên bằng chứng về sự khai thác trong lịch sử, điều này đang được hậu thuẫn bởi khả năng ngày càng lớn mạnh của hải quân và an ninh biển của họ.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà ngoại giao Mỹ nói gì với giới báo chí thì không quan trọng lắm, nếu như ở hậu trường họ đang bận rộn với việc củng cố nghị lực của ASEAN, đồng thời can ngăn Trung Quốc đừng bị sa vào những cơn bốc đồng tồi tệ nhất.  Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về một “thỏa thuận song phương trên những nguyên tắc căn bản, hướng dẫn việc giải quyết các vấn đề trên biển”, mặc dù Hà Nội thường bày tỏ rằng, họ thích hơn một khung khổ đa phương.

Có một mối liên hệ khá vững chắc giữa giới lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc – giữa hai Đảng, giữa các bộ ngành, giữa các tổ chức quần chúng, giữa các tỉnh vùng biên – và nhiều lãnh đạo của cả hai nước đã bỏ công sức vào việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp và ổn định này.

Kể từ đầu năm 2010, hai nước đã có sáu vòng đàm phán ở cấp chuyên gia nhằm làm rõ những lập trường về quyền tài phán biển đối với vùng Quần đảo Hoàng Sa, phần biển thuộc biển Đông mà chỉ riêng Trung Quốc và Việt Nam có tranh chấp chủ quyền. Các cuộc đàm phán này – tới nay dường như thực chất chỉ đạt được kết quả rất ít – đã bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay.  Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đang chứng minh một phần giả thuyết cho rằng những sự cố vừa qua cho thấy mục tiêu đích thực của Bắc Kinh đang bị can thiệp bởi một phe cánh những người Trung Quốc yêu nước cuồng tín.

Dù điều này đúng hay sai thì cũng không chắc Bắc Kinh sẽ phủ nhận những sự cố do lực lượng an ninh biển của họ liên tiếp gây ra sau khi sự việc thực tế đã xảy ra rồi. Quả thực là phát ngôn viên của Trung Quốc đã phải cố gắng để mô tả những vụ xung đột gần đây là sự phản ứng chính đáng trước hành động khiêu khích của Việt Nam hoặc Philippines. Như vậy là Trung Quốc trên thực tế đã hướng tới một học thuyết can thiệp để đảm bảo độc quyền khai thác tài nguyên trên biển Đông, ở bất cứ nơi nào nằm trong phạm vi “đường chín đoạn đứt khúc” nổi tiếng, bao quanh vùng biển Đông. 

Vậy thì điều gì có thể làm được để đưa những tuyên bố chủ quyền rắc rối trở lại con đường đi đến cách giải quyết công bằng dựa trên luật pháp quốc tế? Điều này phụ thuộc vào việc Indonesia phải điều khiển Diễn đàn Khu vực châu Á sắp diễn ra và cuộc gặp Thượng đỉnh Đông Á, để đem lại kết quả thực tế, nếu không thể tiến tới sự đồng thuận để chứng minh được là ASEAN vẫn còn có hiệu lực đối với những vấn đề tranh chấp [trên biển Đông]. Sau tháng 11 thì chức chủ tịch ASEAN sẽ được chuyển sang Campuchia, rồi sau đó là Myanmar, rồi sau đó là Lào, và những nước này đều được coi là những nước  lệ thuộc vào Trung Quốc về viện trợ kinh tế nên chưa chắc họ sẽ chịu đựng được sức ép của Bắc Kinh.

Mới đây một bài xã luận trên báo Jakarta Post đã đề xuất một phương hướng mới. Bài báo này cho rằng sau mười năm ì ạch để tìm ra một mẫu số chung đồng thuận gồm có Trung Quốc thì nay các nước thành viên ASEAN trước hết nên đi đến một cương lĩnh chung về một bộ nguyên tắc ứng xử và bằng cách đó sẽ gây sức ép, khuyên Trung Quốc có lập trường phù hợp với trách nhiệm của một cường quốc địa phương.

Chừng nào các nước thành viên ASEAN không thể có sự đồng thuận, chừng đó Trung Quốc vẫn bị sự cám dỗ buộc các nước đối thủ tranh chấp với họ nhượng lại từng nước một. Một khi Philippines và Việt Nam bị buộc phải vâng lời, theo cách chia để trị, khi ấy Trung Quốc sẽ dễ dàng ép buộc Malaysia và Brunei. Ngược lại, nếu bốn nước ASEAN có tranh chấp có thể tự giải quyết các đòi hỏi về quyền sở hữu, khi ấy những nước này sẽ ở trong vị thế đàm phán mạnh hơn nhiều trước yêu cầu của Trung Quốc.

Do đó, ngoại trừ một số thành viên ASEAN không ưa gây xích mít với Trung Quốc, sự phân chia công bằng cái phần của biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa rộng lớn rất có thể không quá khó khăn. Cho tới nay. tất cả bốn nước ASEAN có tranh chấp đều cho thấy họ sẵn sàng áp dụng các nguyên tắc UNCLOS; còn Trung Quốc thì vẫn đang tiếp tục phản đối.

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu. Ông thường viết về những vấn đề thời sự Việt Nam. Có thể liên lạc với ông qua địa chỉ email: nworbd@gmail.com.

Hiệu đính bản tiếng Việt: David Brown
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét