BBC

Biển Đông 'sẽ làm nóng hội nghị Đông Á'

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sẽ họp cuối tuần này

Chủ đề tranh chấp Biển Đông một lần nữa có khả năng làm nóng bàn hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali, Indonesia, vào cuối tuần này (17/11-19/11).


Các hãng thông tấn đưa tinTổng thống Philippines Benigno Aquino đang tìm kiếm ủng hộ của những người tương nhiệm Asean trong việc đối đầu với Trung Quốc về các tuyên bố ch̉u quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, mà Manila cho là 'vô lý'.

Theo một tài liệu của Bộ Ngoại giao Philippines mà hãng AFP có trong tay, ông Aquino dự định sẽ nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) rằng 'giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là quan ngại lớn của Manila, cũng như của các nước trong khu vực'.

Tiếp theo sau cuộc họp giữa các nước Asean ở Bali vào hôm thứ Năm, khối này sẽ gặp gỡ Trung Quốc, và lần đầu tiên, Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc rộng hơn.

Ông Aquino, theo lời tài liệu ngoại giao, muốn vùng Biển Đông, mà Manila gọi là biển Tây Philippines, trở thành khu vực 'hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác'.

"Philippines kêu gọi Asean tổ chức họp giữa các bên tham gia yêu sách chủ quyền, kể cả Trung Quốc, để thảo luận về các yêu sách này và xác định rõ ràng các khu vực còn tranh chấp cũng như không tranh chấp để hình thành vùng hợp tác chung."

Ông tổng thống Philippines được trông đợi sẽ kêu gọi Asean đóng vai trò 'quyết định' nhằm thực hiện nguyện vọng trở thành lãnh đạo toàn cầu của khối.

Vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc gặp có thể sẽ mang thêm sức nặng cho Asean trong việc đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn tại khu vực của Trung Quốc, nhưng cũng có khả năng làm phức tạp thêm cuộc thảo luận đã vô cùng phức tạp và chồng chéo.

Động thái mạnh bạo

Trong khi đó, các quốc gia tham gia tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông dường như không giảm yêu sách.

Tháng trước Đài Loan tuyên bố sẽ điều hỏa tiễn hiện đại ra vùng đảo Trường Sa mà nước này chiếm đóng, khiến Mỹ phải lên tiếng can ngăn.

Trung Quốc cũng không kém mạnh bạo, khi vừa mới 'đòi' thêm hơn 80 cây số lãnh thổ từ một tỉnh của Philippines, hãng thông tấn Associated Press cho biết.

Được biết vùng lãnh thổ này nằm trong Biển Đông, gần một quần đảo của Philippines nhưng không thuộc Trường Sa. Trước đó hồi tháng Bảy, Bắc Kinh đã phản đối dự án thăm dò dầu khí của Manila tại đây.

Philippines đã mời các hãng nước ngoài cùng thăm dò dầu khí ở 15 lô ngoài khơi đảo Palawan, nhưng Trung Quốc phản đối việc khai thác ở hai lô 3 và 4 với lý do 'đây là lãnh thổ Trung Quốc'. Trung Quốc đã gửi công hàm ngoại giao đòi Philippines rút ngay khỏi khu vực này.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, đòi hỏi của Trung Quốc là vô lý vì hai lô đó hoàn toàn thuộc chủ quyền của Philippines, một lô chỉ cách Palawan về tây bắc có 79 km, trong khi cách bờ biển của Trung Quốc tới 800 km nơi gần nhất.

Hãng AP nhận định yêu sách chủ quyền mới này của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm tăng bất đồng, khiến Philippines phải viện tới tòa án Liên Hiệp Quốc để phân giải.

Philippines cũng nói sẽ bàn về việc này với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton khi bà này thăm Manila vào thứ Tư 16/11.

Quần đảo Trường Sa, với 190 đảo nhỏ, bãi cạn và đá chìm, được cho là nằm trong vùng biển giàu tài nguyên dầu khí dù chưa ai rõ quy mô là bao nhiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét