Thụy My

Trung Quốc sẽ tập trận hải quân ở Thái Bình Dương
Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc thao diễn
ngoài khơi Thanh Đảo (REUTERS)
Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay (23/11/2011) loan báo, chính quyền Bắc Kinh sẽ cho tiến hành tập trận hải quân tại Thái Bình Dương trong tháng này. Hãng tin Reuters ghi nhận, tuyên bố trên đây được đưa ra chỉ một tuần sau khi Washington tăng cường sự hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương, với kế hoạch gởi 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ đến căn cứ quân sự Darwin ở Úc.


Bắc Kinh nhấn mạnh là mình có quyền tiến hành các cuộc tập trận thường niên, cho dù các nước trong khu vực luôn lo sợ trước sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc, đặc biệt là hải quân. Thông báo chỉ vỏn vẹn hai dòng trên trang web www.mod.gov.cn nói rằng : « Đây là một cuộc tập trận thường niên đã được lên kế hoạch trước, không trực tiếp nhắm vào bất kỳ một quốc gia nào hay mục tiêu đặc biệt nào, và phù hợp với thực tế cũng như luật pháp quốc tế liên quan. Tự do hàng hải và các quyền hợp pháp khác của Trung Quốc không thể bị ngăn trở ». Thông báo không cho biết chi tiết cụ thể về địa điểm sẽ diễn ra cuộc tập trận. 

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dâng cao qua hội nghị thượng đỉnh các nước châu Á – Thái Bình Dương tại Indonesia, nhất là về phương cách giải quyết các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Kế hoạch của Tổng thống Barack Obama nhằm mở rộng hoạt động của lực lượng Mỹ gồm hải quân, chiến đấu cơ và chiến hạm từ căn cứ Darwin, Úc có thể làm cho Bắc Kinh cảm thấy đang bị Mỹ và các đồng minh bao vây hoặc kìm chế. 

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật hôm nay dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng, sáu tàu hải quân Trung Quốc từ sáng sớm hôm qua đã đi vào Thái Bình Dương qua hai hòn đảo chính thuộc Okinawa. 

Việc hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động gây nhiều lo ngại cho các quốc gia trong khu vực, về việc Bắc Kinh tăng cường quân sự tại châu Á. Trung Quốc đang chế tạo các tàu ngầm, tàu chiến và hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm mới, trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân. Hồi tháng 8, Bắc Kinh cũng đã cho hạ thủy thử nghiệm hàng không mẫu hạm đầu tiên, được tân trang từ một tàu sân bay mua lại của Nga. 

Trong năm qua, Trung Quốc đã có những tranh cãi về lãnh hải với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Những sự cố như va chạm tàu, xâm nhập lãnh hải…tuy nhỏ nhưng cũng đã gây nên những phản ứng ngoại giao gay gắt. Tình hình căng thẳng kéo dài tại Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải vận chuyển đến 5.000 tỉ đô-la hàng hóa, và các nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei cùng đòi hỏi chủ quyền. 

Một viên chức Mỹ tháp tùng ông Obama trong hội nghị ở Indonesia cho biết, ông cảm thấy được khích lệ bởi các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo ASEAN về vấn đề an ninh trên biển, một chủ đề mà Bắc Kinh hy vọng sẽ nằm ngoài chương trình nghị sự. Tổng thống Hoa Kỳ khi được Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gián tiếp khuyến cáo Washington nên đứng ngoài các tranh chấp trong khu vực, đã đáp lại là Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng các tuyến đường hàng hải phải được thông thương và hòa bình. 

Theo báo chí chính thức của Trung Quốc, thì việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh là để tương xứng với vị thế đang lên của Bắc Kinh, là bước cần thiết trong nỗ lực bảo vệ các lợi ích của nước này trong quá trình toàn cầu hóa.
Thụy My  RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét