Tình hình ở Biển Hoa Nam
Vị Trí Chiến Lược Trường Sa và Hoàng Sa |
Mới đây Trung Quốc lại có những biểu hiện của một kẻ mắc chứng bệnh thần kinh rối loạn cảm xúc lưỡng cực [bipolar disorder] trong cách họ giải quyết cái vấn đề gai góc ấy là vấn đề chủ quyền đối với Biển Hoa Nam [Biển Đông]. Phát biểu trước các bộ trưởng quốc phòng của các nước Đông Nam Á vào tuần trước, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quảng Liệt đã nói về quan điểm của Trung Quốc đối với Biển Hoa Nam như thể ông ta đang lẩm bẩm những câu thần chú đã thuộc làu: Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền hoặc bành trướng quân sự …Trung Quốc cam kết duy trỉ hòa bình và ổn định thông qua hợp tác an ninh… Trung Quốc kiên định thực hiện chính sách xây dựng quan hệ láng giềng tốt và hữu nghị.
Trong các cuộc tiếp xúc song phương tại cuộc đối thoại an ninh khu vực ở Singapore, tay họ Lương này dường như đã ra sức thuyết phục các nước thành viên của ASEAN phải loại bỏ Mỹ ra khỏi các cuộc thảo luận nhằm làm dịu tình hình căng thẳng [ở Biển Hoa Nam]. Ấy thế mà chỉ vài cách đây vài ngày thôi thì tàu hải giám của Trung Quốc lại giở cái trò du côn chẳng giống ai để phản đối các nước tranh chấp chủ quyền với họ đối với 3,5 triệu cây số vuông biển kéo dài từ phía nam Đài Loan cho tới Eo biển Malacca, Bắc Kinh gọi những hành động du côn của họ là “các hoạt động bình thường nhằm giám sát và thực thi luật hàng hải ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.
Bốn nước ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippine và Việt Nam đều có tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với một phần của vùng biển này, những tuyên bố chủ quyền của bốn nước này đều dựa trên sự áp dụng những nguyên tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) về việc phân định ranh giới thềm lục địa của mỗi nước. Việt Nam ngoài ra còn khẳng định các quyền lợi của họ từ việc khai thác nguồn cá dồi dào ở vùng biển này và sự cư ngụ không thường xuyên của người Việt Nam ngay từ những năm 1600 trên một số hòn đảo nhỏ giàu nguồn phân dơi, bào ngư và hải sâm.
Mặc dù hễ thấy có lợi cho tuyên bố của mình là Trung Quốc vội vàng viện dẫn UNCLOS, thế nhưng họ vẫn coi công ước này là không liên quan tới “quyền tài phán không thể bác bỏ” của họ đối với Biển Hoa Nam . Để đối phó với hạn chót theo Luật về Công ước Biển là tháng 6 năm 2009 các nước phải đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tuyên bố chủ quyền biển của mình, Trung Quốc chỉ đơn giản đệ trình một tấm bản đồ bôi bác thô thiển và chẳng buồn đề cập các tiêu chí địa chất và địa mạo được xác lập trong công ước nói trên.
Bất chấp tín hiệu rành rành rằng Trung Quốc đâu có quan tâm tới việc thỏa hiệp, nhưng tập thể ASEAN vẫn cố bám lấy hi vọng rằng có thể thuyết phục được cái cường quốc mới nổi này ở châu Á để họ chịu đàm phán. Các nước ASEAN chỉ mới một lần duy nhất thành công để cho thấy họ hi vọng là đúng: năm 2002, sau nhiều năm nỗ lực, các nước ASEAN cuối cùng đã thuyết phục được Trung Quốc chịu ký một ”Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Hoa Nam”, được gọi tắt là DOC. Các nước ký DOC đồng ý “tự kiềm chế để không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm hoặc làm leo thang các tranh chấp”. Ngoài ra Trung Quốc cũng thề bồi là không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Bước tiến bộ tiếp theo của DOC sẽ phải là sự thỏa thuận về các phương thức giải quyết tuyên bố tranh chấp chủ quyền. Nhưng cho tới nay thì ASEAN vẫn chưa thể dỗ dành được Bắc Kinh để họ quay trở lại bàn đàm phán. Trung Quốc khăng khăng cho rằng họ chưa bao giờ có ý định giải quyết vấn đề “ai sở hữu cái gì” ở một diễn đàn đa phương song họ sẵn sàng giải quyết vấn đề đó bằng các cuộc đàm phán song phương với các nước có tuyên bố tranh chấp chủ quyền. Trong lúc chờ đợi, Bắc Kinh đã cố tình tạo ra “những sự đã rồi” một cách rất có phương pháp để hỗ trợ luận điểm của họ rằng toàn bộ Biển Hoa Nam tính đến tận vùng biển cách bờ biển của các quốc gia có chung biển với họ là 12 hải lý là đều của họ hết.
Chiến thuật du côn của Trung Quốc dường như đã thành công ở phần phía bắc của vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh đã tuyên bố Quần đảo Hoàng Sa, một tập hợp những bãi đá ngầm và đảo nằm giữa Đảo Hải Nam của Trung Quốc và bờ biển miền trung của Việt Nam, giờ đây đang mở cửa cho các công ty của Trung Quốc tới phát triển du lịch và kinh tế. Hồi năm 1974 Trung Quốc đã đánh bật một đơn vị quân đội ít ỏi của Nam Việt Nam ra khỏi Quần đảo Hoàng Sa và trong những năm gần đây họ hầu như đã xua đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi các vùng biển lân cận. Hà Nội kiên trì bám lấy tuyên bố chủ quyền của mình, song các nước đối tác trong khối ASEAN lại không có dấu hiệu bày tỏ sự đoàn kết để ủng hộ Hà Nội.
Vì thế mà cho đến lúc này thì cả một vùng quần đảo Trường Sa rộng lớn gồm vô số những hòn đảo và một vùng lãnh hải nằm ở phía nam Quần đảo Hoàng Sa – chiếm xấp xỉ hai phần ba Biển Hoa Nam – vẫn đang bỏ ngỏ để mạnh ai người ấy cướp.
Những sự cố xảy ra vào tháng trước nhằm vào ngư dân không phải là người Trung Quốc và các tàu thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippine và của Việt Nam chỉ là mới mẻ ở chỗ những sự cố đó là một kiểu làm giờ đây chẳng ai lạ gì song được mở rộng sâu hơn xuống phía nam gần với bờ biển của các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Bắc Kinh đã cảnh báo không úp mở các công ty dầu khí nước ngoài là không được ký hợp đồng thăm dò ở những khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các nguồn tin từ Manila cho biết hải quân của Trung Quốc đang đặt các tiền đồn mới ở vùng biển thuộc chủ quyền của Philippine mà không thèm đếm xỉa đến sự giữ nguyên hiện trạng được quy định bởi DOC.
Sự tiền hậu bất nhất quá ư nghiêm trọng giữa những gì Trung Quốc nói và làm đang khiến cho những khẳng định của viên Tướng họ Lương tại diễn đàn cuối tuần qua ở Singapore rằng “các nước liên quan nên giải quyết tranh chấp về chủ quyền hàng hải thông qua đàm phán hữu nghị và hội đàm song phương” trở thành một điều rành rành là giả dối.
Điều gì đang thúc đẩy Trung Quốc giả dối như vậy? Một số nhà phân tích cho rằng chính sách tiền hậu bất nhất đó là một biểu hiện nhất thời cho thấy các trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh đang đấu đá nhau. Số khác bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không tuyên bố hoặc đẩy quá xa những tuyên bố chủ quyền của họ khiến cho Indonesia phải xa lánh, làm giới kinh doanh phải sợ hãi hoặc khiến Lầu năm góc của Mỹ buộc phải khôi phục tham vọng hợp tác với quân đội các nước trên quy mô toàn cầu.
Nhưng những điều nói trên đang mỗi lúc càng trở thành những niềm hi vọng đáng thương. Có đầy đủ những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tính kế lâu dài và điều họ muốn chính là năng lượng – các lớp địa chất nằm sâu dưới đáy Biển Hoa Nam có chứa rất nhiều dầu mỏ và khí thiên nhiên được cho là chỉ còn chờ sự thăm dò và khai thác.
Người ta có thể biện luận – và đây chính là lý lẽ của các nhà địa chất dầu mỏ – rằng chưa chắc Biển Hoa Nam đã thực sự có dầu khí, thế nhưng điều chẳng cần phải bàn cãi nữa đó là Bắc Kinh đang đặt ưu tiên cao vào việc phải đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng. Từ năm 1993 Trung Quốc đã bắt đầu trở thành một nước nhập siêu dầu mỏ; hiện nay Trung Quốc nhập khẩu khoảng sáu triệu thùng dầu mỗi ngày, tức là 60% lượng tiêu thụ dầu mỏ của họ. Vào năm 2025, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ cần một lượng nhập có uy tín đánh giá cao của hãng BP.
Tình hình cũng xảy ra tương tự với khí đốt thiên nhiên song không gay gắt bằng, theo nguồn tin của hãng BP. Từ năm 2007 Bắc Kinh đã bắt đầu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng và dự kiến đến năm 2025 thì 40% nhu cầu về khí đốt sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đối với một quốc gia sẵn sàng chi rất nhiều tiền để xây dựng một lực lượng hải quân đủ khả năng bảo vệ các tuyến đường cung ứng tới Trung Đông thì khí hydrocarbon được cho là có dưới lòng Biển Hoa Nam ắt phải giống như trái cây lủng lẳng ở tầm thấp dễ hái khó cưỡng nổi. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế thì nguồn hydrocarbon ở Biển Hoa Nam hầu như chưa ai biết là trữ lượng bao nhiêu. Một số báo cáo chưa chứng thực của Trung Quốc cho rằng dự trữ dầu mỏ có thể là 213 tỉ thùng, trong khi đó thì cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) hồi năm 1994 đã ước tính nguồn dự trữ đó là vào khoảng 28 tỉ thùng. Một số chuyên gia tin rằng khí đốt thiên nhiên chiếm thành phần nhiều nhất trong các lớp địa chất có hydrocarbon ở Biển Hoa Nam , nhưng các con số ước tính về nguồn dự trữ này cũng khác nhau rất nhiều. Vì vậy, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ [The US Energy Information Agency] bình luận rằng việc các khu vực ở xung quanh [Biển Hoa Nam] có những lớp địa chất nhiều dầu mỏ đã dẫn đến sự suy đoán rằng Quần đảo Trường Sa có thể là một khu vực có chứa dầu mỏ chưa được khai thác. Hầu như không có bằng chứng nào ngoài những tuyên bố của Trung Quốc để có thể chứng minh quan điểm cho rằng khu vực này có chứa những nguồn dầu mỏ lớn. Do không có giàn khoan thăm dò ở Hoàng Sa và Trường Sa cho nên không có những số liệu ước tính có đầy đủ chứng cứ.
Một cuộc chiến tranh là không thể tránh khỏi?
Việt Nam không bao giờ có ảo tưởng về sự sẵn sàng khiêu khích của Bắc Kinh. Việt Nam đã từng chống lại những cuộc xâm lăng của Trung Quốc nhằm khuất phục người Việt Nam trong suốt một ngàn năm. Xử lý mối quan hệ thất thường với cái nước láng giềng phương bắc này là mối quan tâm cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Hà Nội. Để tránh cuộc chiến tranh với gã to xác ở phương bắc này, như lịch sử đã gợi ý, Việt Nam sẽ quỵ lụy song cuối cùng sẽ đánh nhau chứ không đầu hàng.
Cách đây một năm, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố rằng Biển Hoa Nam là một khu vực có “lợi ích quốc gia” của Mỹ – một thái độ hoàn toàn nhất quán với các mục tiêu của Mỹ ngay từ thế kỷ 19 là quyền tự do đi lại [hàng hải] ở châu Á, nhưng trong tình huống nói trên thì phát biểu của Hillary Clinton lại là một cái vả vào mặt người Trung Quốc. Phát biểu của Clinton được chủ nhà của Diễn đàn khu vực châu Á năm 20110 (ARF) là Hà Nội phối hợp chặt chẽ và được tô điểm thêm bằng một loạt các cuộc hội đàm song phương về mối quan hệ chiến lược mới Mỹ-Việt. Bà Hillary Cliton đề nghị Mỹ có thể đóng một vai trò như là một người đứng giữa trung thực trong việc giải quyết những tuyên bố chủ quyền ở Biển Hoa Nam .
Như vậy là Mỹ đang có mặt để sẵn sàng đóng vai trò đó. ARF 2011 chỉ còn cách không đầy một tháng nữa và sẽ do Indonesia chủ trì. Cuộc họp này sẽ là cơ hội tốt nhất để khôi phục lại một quá trình giải quyết một cách hòa bình những lợi ích và tuyên bố tranh chấp chủ quyền biển.
Có thể hình dung được rằng một kết quả đàm phán sẽ không thể thỏa mãn hoàn toàn một bên tranh chấp nào đó, song đủ để thỏa mãn tất cả các bên. Một kết quả như vậy sẽ bao gồm những yếu tố căn bản sau: các nước ASEAN có thể tìm được cách để đoàn kết với nhau và các nước tranh chấp thuộc ASEAN có thể thống nhất được cách tự chia nhau Quần đảo Trường Sa; Mỹ sẽ tham gia một cách hiệu quả trên phương diện giàn xếp phù hợp với lương tri trong đó có việc các nước cùng nhau phát triển ở một số khu vực; và yếu tố khó khăn nhất ấy là Trung Quốc sẽ phải từ bỏ tuyên bố phi lý cho rằng toàn bộ Biển Hoa Nam là của họ.
Tại diễn đàn các bộ trưởng quốc phòng diễn ra tuần trước ở Singapore, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã không có phát biểu nào về hành động “khoe cơ bắp” gần đây của Trung Quốc ngoài việc nói rằng ông chia sẻ những lo ngại của các nước khác và rằng có những cơ chế đa phương, tức DOC và UNCLOS, có thể được áp dụng để giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Hoa Nam. Một số bài báo đã gọi đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang lùi bước để tránh một sự đối đầu.
Tại diễn đàn các bộ trưởng quốc phòng diễn ra tuần trước ở Singapore, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã không có phát biểu nào về hành động “khoe cơ bắp” gần đây của Trung Quốc ngoài việc nói rằng ông chia sẻ những lo ngại của các nước khác và rằng có những cơ chế đa phương, tức DOC và UNCLOS, có thể được áp dụng để giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Hoa Nam. Một số bài báo đã gọi đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang lùi bước để tránh một sự đối đầu.
Đó có lẽ là một cách giải thích không đúng. Đối với Mỹ thì thách thức trước mắt là phải hợp tác với Indonesia để đưa các vấn đề lãnh thổ theo hướng các giải pháp được dựa trên luật pháp quốc tế và lương tri ngoại giao. Mỹ phải trấn an Việt Nam và Philippine rằng Mỹ sẽ không thoái lui. Mỹ phải thuyết phục phái ôn hòa của Trung Quốc rằng dù ai là chủ của Trường Sa đi nữa thì các công ty của Trung Quốc vẫn sẽ có những cơ hội không bị cản trở để tham gia vào việc khai thác nguồn khí hydrocarbon theo giả thuyết.
Điều quan trọng không kém đó là Washington cần có lập trường cứng rắn với phái hiếu chiến của Trung Quốc, phải kín đáo cho Bắc Kinh biết rằng những hành động khiêu khích chỉ có thể dẫn đến sự đoàn kết của các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, sẽ lôi cuốn Mỹ tiến gần hơn sự xung đột và làm trì hoãn sự phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Hoa Nam vì lợi ích qua lại của các nước.
David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã hồi hưu. Ông thường xuyên viết về tình hình hiện nay ở Việt Nam . Có thể liên lạc với ông qua địa chỉ email: nworbd@gmail.com .
Người dịch: Hiền Ba
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét