Bốn góc nhìn về Biển Đông
Trong rất nhiều góc nhìn khác nhau về Biển Đông, tôi chọn để thảo luận góc nhìn của Việt Cộng, của Mỹ và 2 góc nhìn của người Việt Nam, qua vị trí quan sát từ trong nước, và từ quốc ngoại.
1/ Việt Cộng vẫn nhìn Biển Đông như chuyện riêng của họ, họ không muốn người Việt Nam chen vào.
Không khác gì năm 2007, năm nay, 2011, họ cũng bố trí công an, ruồng bắt, ngăn cấm người Việt trong nước biểu tình chống hành động tung hoành của Trung Cộng trên Biển Đông.
Công an đàn áp biểu tình chống Trung Cộng năm 2007, và năm 201 |
Trong lúc bóp nghẹn tiếng nói đấu tranh trong quốc nội, Việt Cộng gửi một phái đoàn qua Singapore dự cuộc đối thoại Shangri-La lần thứ 10; không cần đến Singapore nhưng các blogger vẫn lớn tiếng "đối thoại" với mọi người.
Thành phần phái đoàn Việt Cộng gồm 4 tướng Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh, Vũ Văn Hiển, Ngô Quang Liên; họ đến đó để nói lên quan điểm của Việt Cộng. Nhưng tướng Thanh - trưởng phái đoàn Việt Cộng - không được chính thức nói gì nhiều, vì Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies -IISS), cơ quan chủ trì diễn đàn hàng năm không đặt vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự chính thức.
Tuy nhiên, nếu muốn nói, Việt Cộng vẫn có thể nói mà không cần chờ đợi một chương trình nghị sự nào cả, vì dư luận thế giới, qua vài chục phóng viên truyền thông hiện diện bên cạnh tổ chức "đối thoại Shangri-La", đang nôn nóng chờ họ lên tiếng về vụ tàu hải giám Trung Cộng ngăn cấm không cho Bình Minh 2, tầu khảo sát địa chấn của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam thực hiện công cuộc dò lòng biển ngay bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Việt Cộng vốn vẫn ngoan ngoãn ngậm miệng để mặc Trung Cộng hung hăng hiếp đáp ngư dân Việt Nam, để mặc chúng bắn họ, đánh họ, bắt giữ tầu của họ đòi tiền chuộc; lần này sở dĩ Việt Cộng phải lên tiếng vì Trung Cộng đã vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, cấm không cho tầu Bình Minh 2 làm công việc dò tìm dầu, khí.
Nói là lên tiếng, nhưng Việt Cộng vẫn giữ tư thế chư hầu lễ độ, không dám tố cáo Trung Cộng trước dư luận thế giới, mà chỉ ngoan ngoãn tiếp xúc tay đôi với phái đoàn Trung Cộng để "thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm".
Một trong những vấn đề được Phùng Quang Thanh đề cập tới là vụ tầu Bình Minh 2 trong cuộc tiếp xúc song phương hôm thứ Sáu 03/06 với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Lương Quang Liệt bên lề diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 10 tại Singapore.
Sau đó tướng Nguyễn Chí Vịnh nói thêm là Lương Quang Liệt đã cảm ơn Thanh vì sự đón tiếp và tổ chức tốt hội nghị ADMM+ (ASEAN Defence Ministers Meeting) hồi năm ngoái; sau câu nói đãi bôi hai bộ trưởng đã bàn phương cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hợp tác hải quân: những công việc như tuần tra chung, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, thiết lập đường dây nóng, giao lưu, thăm viếng của tàu hải quân... Mục đích chính là tăng cường hiểu biết, tạo sự thông cảm, tin cậy để giảm thiểu các vấn đề trên Biển Đông.
Phùng Quang Thanh cũng có nêu vấn đề liên quan tàu Bình Minh 02 với mong muốn quốc phòng hai bên tăng cường hợp tác, không để những việc như vậy tái diễn. Mong muốn nhẹ hơn đòi hỏi, nhưng Thanh chỉ dám mong muốn.
Nguyễn Chí Vịnh tìm cách phụ đề, ông ta nói với BBC, "Việt Nam rất tích cực tham gia các diễn đàn, như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dự Đối thoại Shangri-La và có bài diễn văn về an ninh biển. Những điều đó đều là đóng góp của Việt Nam cho quá trình tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển.
"Tất nhiên quá trình thực hiện điều này không phải dễ dàng, đặc biệt là khi có những quốc gia không coi trọng luật pháp thì lại càng khó nữa."
Đứng đầu danh sách những nước không coi trọng luật pháp dĩ nhiên là Trung Cộng, nhưng Vịnh cũng như Thanh, e dè không dám nói đến hai chữ Trung Cộng.
Nếu Trung Cộng tiếp tục leo thang chèn ép thì Việt Cộng có đổi thái độ cứng rắn hơn không? Vịnh nói quanh, giải thích cứng rắn chưa phải là thượng sách; rồi ông lách tránh,"Vấn đề là có đạt được mục đích của mình hay không chứ không phải là cứng rắn như thế nào.
"Mục đích chính của Việt Nam là hòa bình, ổn định và chủ quyền lãnh thổ. Chỉ cần làm đủ để đạt được những điều đó.
"Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để những sự việc như vừa rồi không leo thang, không tái diễn. Tuy nhiên, nếu như một bên nào đó muốn leo thang thì Việt Nam cũng sẽ có hành động để bảo vệ chủ quyền của mình, không thể ngồi im được."
Hành động để bảo vệ chủ quyền? Vịnh và đồng bọn dám làm gì khi ông ta không dám gọi tên Trung Cộng ra mà chỉ nói "nếu như một bên nào đó muốn leo thang"!
Thái độ của Thanh, tổng trưởng quốc phòng, và của Vịnh, phụ tá tổng trưởng chỉ xác định thêm là câu "ác với dân, đần với địch", dư luận gán cho Việt Cộng quả là không oan.
2/ Góc nhìn của Hoa Kỳ
Lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông "yếu" hơn năm ngoái, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates không còn quyết liệt, "... phản đối bất cứ hành động nào nhằm sách nhiễu các công ty của Mỹ cũng như của các quốc gia khác đang thực hiện hoạt động kinh tế hợp pháp tại Biển Đông," như ông từng dõng dạc khẳng định năm ngoái.
Ông kêu gọi một nỗ lực hợp tác đa phương để có thể đi tới một cơ chế giải quyết bất đồng, nhằm giảm thiểu nguy cơ căng thẳng. Trả lời câu hỏi của cử tọa, ông nói: "Tôi sợ rằng nếu không có quy tắc, không có các cách tiếp cận thống nhất để giải quyết các vấn đề thì các cuộc đụng độ sẽ lại xảy ra".
Cảm nhận được sự thất vọng về lập trường ầu ơ của Hoa Kỳ, ông Gates trấn an mọi người bằng câu nói đùa là ông sẵn sàng đặt cược 100 đôla để cá rằng 5 năm tới sự hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ còn mạnh hơn bây giờ.
Có thể Gates cũng biết nhiều nước đồng minh của Hoa Kỳ không cảm thấy vững tin. Nhiều người cho là Trung Cộng đã tìm được cách hóa giải sự "quan tâm" của Hoa Kỳ đối với những tranh chấp trên Biển Đông. Ngay hôm đầu tiên tới dự đối thoại Shangri-La, ông Gates đã tiếp xúc tay đôi với tướng Lương Quang Liệt.
3/ Góc nhìn của người Việt hải ngoại
Thứ Bảy mùng 4 tháng Sáu, hai hội đoàn thanh niên ở quận Cam -hội Thanh niên Sinh viên Phó Đức Chính và hội Thanh niên Cờ Vàng- tổ chức buổi biểu tình tại Tòa Lãnh sự Trung Cộng ở Los Angeles.
Anh Ngãi Vinh, đại diện cho Thanh niên Sinh viên Phó Đức Chính, nói :
- "Chúng tôi biểu tình tại Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Los Angeles là để lên án tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Họ đã tự cho rằng họ có chủ quyền hơn 80% diện tích trên biển Đông của chúng ta, qua bản đồ "đường lưỡi bò" mà họ tự vẽ, để rồi dựa vào bản đồ đó, họ xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trong vài năm qua, họ đã ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển nước ta, bắt giữ và bắn giết ngư dân chúng ta, khi những người dân đang đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhất là gần đây ba tàu hải giám của Trung Quốc đã hành xử thiếu văn minh, ngang nhiên tấn công tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, khi con tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi tổ chức biểu tình còn với mục đích hỗ trợ người dân trong nước, nhất là các anh em thanh niên, sinh viên, được quyền bày tỏ lòng yêu nước, chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc."
Cô phóng viên Ngọc Trân hỏi Ngải Vinh :
- "Anh vừa nói đến mục đích biểu tình cuối tuần này là để hỗ trợ thanh niên, sinh viên trong nước. Như anh đã biết, hơn 3 năm trước, sinh viên Việt Nam cũng đã hai lần tổ chức các buổi biểu tình tại Đại sứ quán và Lãnh Sự quán Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn, để phản đối chính phủ Trung Quốc hợp thức hóa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thành lập Thành phố Tam Sa. Và những sinh viên này đã bị lực lượng an ninh gây khó dễ, cũng như nhà trường đã ngăn không cho sinh viên xuống đường, khi cho rằng, các bạn sinh viên còn nhỏ, chỉ nên lo học hành, chuyện bảo vệ đất nước hãy để nhà nước lo. Anh nghĩ sao về vấn đề này? Anh có nghĩ rằng, các bạn học sinh, sinh viên ở Việt Nam, nên xuống đường phản đối Trung Quốc vào Chủ Nhật sắp tới, như lời kêu gọi đã được phổ biến trên mạng?"
Ngãi Vinh đáp :
- "Tôi thấy ngăn cản yêu nước là vô lý. Trước hết, tôi tin rằng không có quy định nào về tuổi tác cho lòng yêu nước. Lịch sử Việt Nam đã ghi lại những tấm gương nhỏ tuổi đã thể hiện lòng yêu nước, như Trần Quốc Toản mới 15 tuổi, nhưng đã có tinh thần yêu nước khi thấy đất nước bị quân Nguyên xâm lược.
Vua mở hội nghị để bàn kế chống giặc, nhưng vì tuổi nhỏ không được cho vào dự họp, nên Quốc Toản bực tức, tay cầm trái cam bóp nát lúc nào không biết. Sau đó, Quốc Toản về nhà, tập họp người nhà và gia nhân, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, may lá cờ thêu sáu chữ vàng: "Phá cường địch, báo hoàng ân", tức là “phá giặc mạnh, báo ơn vua”, kéo quân đi tìm giặc đánh và đã lập được nhiều chiến công.
Người thiếu niên anh hùng đó vẫn còn là tấm gương sáng cho bao thế hệ thanh niên noi theo. Nên tôi tin rằng, người dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, có quyền thể hiện lòng yêu nước của mình. Tôi tin rằng các bạn học sinh, sinh viên ở Việt Nam chắc chắn không đợi ai “cho phép” yêu nước, mà sẽ noi gương yêu nước của Trần Quốc Toản và của bao thế hệ cha ông chúng ta. Tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ xuống đường, thể hiện lòng yêu nước, phản đối hành vi ngang ngược, xâm lược của Trung Quốc.
Tổ quốc Việt Nam là của tất cả người dân Việt Nam. Không ai được độc quyền yêu nước, và cũng không ai có thể ngăn cản người dân Việt Nam, nhất là tuổi trẻ Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước.
Cô Ngọc Phương Nam đại diên hội Thanh niên Cờ Vàng, nói, "Tôi thấy, chưa có ngư dân nước nào bị Trung Quốc quấy nhiễu, hành hạ như ngư dân nước mình. Nhiều người đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc, đã phải mắc nợ, thậm chí phải bỏ nghề đánh cá, không dám đi biển, mặc dù cha ông họ đã bao đời làm nghề đánh cá trên vùng biển đó.
Nhà nước Việt Nam đã không bảo vệ được ngư dân, yếu hèn và nhu nhược với quân xâm lược, lại còn hợp tác với Trung Quốc. Người Việt Nam ở trong hay ngoài nước đều nghĩ rằng, chủ quyền quốc gia dân tộc là tối thượng, không ai muốn thấy đất nước ta bị Trung Cộng cai trị."
4/ Góc nhìn thứ tư về Biển Đông là nỗi căm phẫn của đồng bào quốc nội.
Từ nhiều năm trước, người Việt Nam vẫn thường xuyên xuống đường chống việc Trung Cộng đập nồi cơm của ngư dân Việt Nam.
Việt Cộng bắt bỏ tù hàng loạt, trong số có anh Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải; kẻ cầm quyền Việt Cộng diếm anh kín đến nỗi vợ anh – chị Dương Thị Tân - lo lắng than thở về tình trạng “không rõ còn sống hay đã chết” của chồng chị, Blogger Điếu Cày.
Dù có giết anh Hải, hoặc giết nhiều chiến sĩ dân chủ khác, chúng vẫn không đe được, không cấm được người Việt Nam yêu nước, họ vẫn đang bầy tỏ tình yêu nước bằng cách xuống đường chống Trung Cộng.
Lần này cuộc biểu tình được ấn định vào ngày mùng 5 tháng Sáu, lúc 8 giờ sáng. Người này ới người kia xuống đường, họ text cho nhau những lời kêu gọi gửi qua cell phôn. Địa điểm hội tụ là góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngọc Thạch. Không chỉ sử dụng điện thoại bỏ túi, người biểu tình còn vận động biểu tình bằng những mạng phổ biến cấp thế giới; FaceBook là một trong những mạng thế giới đang loan tin vận động biểu tình.
Giới trẻ quốc nội muốn cuộc biểu tình lần này quy mô hơn, vì cuộc xâm lược của Trung Cộng cũng lên cấp: chúng thọc sâu hơn vào hải phận đặc quyền kinh tế của Việt Nam qua vụ tấn công tầu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 của Petro Vietnam.
Sáng Chủ nhật 5/6/2011, nhiều thanh nhiên sinh viên đã có mặt tại tòa đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội, và tòa lãnh sự Trung Cộng tại Sài Gòn vào lúc 8 giờ sáng giờ Việt Nam.
Kami's blog - Đoàn người biểu tình tuần hành qua Thuỷ Tạ.
Đến hơn 9 giờ sáng, đoàn người biểu tình quay lại tập trung ở Vườn hoa Lenine đối diện ĐSQ Trung Quốc, nhưng bị lực lượng an ninh, CSCĐ ngăn không cho vào gần; người tham gia ngày một đông thêm. Kami's blog
Tại Thành Hồ, đoàn biểu tình được ước lượng là đông đến hàng ngàn người, tuần hành trên tất cả các tuyến đường dẫn đến Lãnh sự quán TQ, lượng người tiếp tục kéo đến chật kín cả đoạn đường, kéo dài từ Nhà Thờ Đức Bà đến Đại sứ quán Mỹ, và càng lúc càng đông hơn. Dan Lam Bao's blog
Một công dân khác, ký tên là John, từ Việt Nam, viết, "công an chặn hết mọi ngả đường dẫn đến sứ quán TQ tính đến 9h30 hôm nay. Chính phủ VN dường như không ủng hộ phong trào đấu tranh giành lại chủ quyền biển đảo của nhân dân. Nhu nhược, yếu kém, mới bầu cử xong muốn giữ ghế nên không dám đánh đuổi ngoại xâm phương Bắc."
Những tiếng thét phẫn uất được hể hả trút ra khỏi
những lồng ngực từ nhiều năm chịu sức ép
Mang cờ đỏ, nhưng người biểu tình nặng lời chỉ trích thái độ ươn hèn của Việt Cộng. Họ trương cao nhiều biểu ngữ phản đối Trung Cộng xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Có người nói sau nhiều lần kế hoạch biểu tình chống Trung Cộng bị ngăn cản, nhưng lần này các cuộc tuần hành đã diễn ra tại cả hai đô thị lớn nhất nước, dường như đã có sự nhân nhượng ngầm của nhà nước.
Nhiều người mặc áo T-shirt màu đỏ có sao vàng, mang theo các khẩu hiệu 'Phản đối Trung Quốc gây hấn' và 'Trung Quốc hãy chấm dứt việc xâm lược biển đảo của Việt Nam'.
Một số người mang cờ Trung Cộng có hình sọ người của hải tặc.
Đám đông tụ họp chừng nửa tiếng, tới khoảng 8:45 phút sáng thì bị công an giải tán.
Tại Thành Hồ, đám đông tiến về Lãnh sự quán Trung Quốc qua các ngả Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, với con số người đông đảo hơn Hà Nội, mà nhân chứng nói cao điểm có thể hàng nghìn.
Nhiều người mang khẩu hiệu đòi Trung Cộng phải bồi thường thiệt hại cho Việt Nam trong các vụ gây hấn và sách nhiễu.
Hai cuộc tuần hành tại Hà Nội và Sài Gòn được biết đã kết thúc trong buổi sáng. Từ Singapore, Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố: "Đây là hành động tự phát của người dân. Cuộc tuần hành diễn ra bình tĩnh, trật tự, không cản trở giao thông và cũng không mang các biểu ngữ mang tính kích động."
Tuy nhiên, để tránh bị Trung Cộng khiển trách, Vịnh vẫn minh định lập trường của nhà nước Việt Cộng là không nên biểu tình, "dù việc biểu tình bắt nguồn từ lòng yêu nước. Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc."
Blogger Mẹ Nấm lên lớp Việt Cộng; cô bảo chúng bờ biển Phú Yên “hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không phải là khu vực do Trung Cộng làm chủ, nhưng Trung Cộng đang cố tình làm cho dư luận hiểu lầm khu vực không tranh chấp này như một khu vực có tranh chấp”.
Blogger Mẹ Nấm
Cô hỏi Việt Cộng, "Liệu tôi có đòi hỏi quá đáng đối với chính phủ nước mình không nhỉ? Bị xâm phạm quyền lợi ngay trên chính vùng biển của quê hương mình, thì không còn gọi là Trung Quốc đang cố tình gây hấn hay ngang ngược nữa. Hãy gọi đúng tên bản chất sự việc đó là xâm lược.”
Trung Cộng sẽ đi cho tới cuối con đường xâm lược vì chúng quyết tâm thu tóm tài nguyên nhiên liệu của Biển Đông, nguồn dầu thô và khí đốt phong phú đến mức chúng mệnh danh Biển Đông là Vịnh Ba Tư Thứ Nhì.
Trong 4 góc nhìn liệt kê trong bài báo này, thì quan điểm của Hoa Kỳ và Việt Cộng đang nghiêng về thế tọa thị, điềm nhiên ngồi nhìn Trung Cộng chiếm đoạt Biển Đông.
Chỉ còn lại người Việt Nam, trong và ngoài nước, ưu tư cho số phận của tổ quốc. Thật đáng lo. Người Việt Nam cần đặt vấn đề trên một quy mô rộng lớn hơn, chủ động hơn là những cuộc biểu tình chỉ mang mục đích phản đối cuộc xâm lược của Trung Cộng.
Nguyển đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét