Tham vọng toàn cầu của quân đội Trung Cộng
Nguyên tác : Johnny Erling ( Die Welt, Đức )
Dịch giả : Tiên-sinh Phạm Nguyên Trường
Viết từ Bắc Kinh.
Trong thời gian tới đây, 2,3 triệu binh sĩ Trung Cộng không chỉ được tăng lương mà còn được trang bị những loại vũ khí hiện đại, trong đó có những loại vũ khí tấn công thế hệ ba. Họ cũng sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ trên những khu vực khác nhau quyền lợi của đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có mạng lưới kinh doanh trải rộng khắp hoàn cầu. Quan niệm về chiến tranh nhân dân và dân quân trước đây chỉ
xem xét việc bảo vệ Trung Cộng khỏi họa ngoại xâm và bảo đảm an ninh lãnh thổ, vùng nước nội thủy và mặt biển nằm trong lãnh thổ đã không còn đáp ứng được đòi hỏi hiện nay nữa. Hiện nay, “để có thể thực hiện các cuộc chiến số và cuộc chiến trên mạng, cần phải có lực lượng bộ binh được huấn luyện kỹ lưỡng, lực lượng phòng không-không quân và hải quân hiện đại, vệ tinh và hệ thống định vị, tất cả là để :bảo vệ quyền và lợi ích trên biển của Trung Cộng, cũng như mối quan tâm của họ về an toàn trong vũ trụ, trong không gian điện-từ trường và không gian điều khiển”. Tất cả những điều này đều đã được ghi nhận trong định nghĩa rộng về quốc phòng trong cuốn Bạch Thư vừa được Trung Cộng công bố. Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, không chỉ trong các thảm họa mà trong lĩnh vực chính trị cũng đã được xác định. Lực lượng vũ trang Trung Cộng phải là thành trì trong cuộc đấu tranh nhằm chống lại những hoạt động chia rẽ, phá hoại và chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ “sự hài hòa và ổn định xã hội” và tiến hành cuộc đấu tranh chống lại “nền độc lập” của Đài Loan và Tây Tạng, cũng như chống lại những phần tử ly khai, đòi thành lập nhà nước “Đông Hồi”. Cuốn Bạch Thư thứ bảy, xuất bản hai năm một lần, vừa được công bố vào thứ năm tuần qua, hai tuần sau khi Quốc hội Trung Cộng thông qua ngân sách quốc phòng lên đến 601 tỉ nhân dân tệ (khoảng 66 tỉ uero), tức là gia tăng 12,7%. Về giá trị tuyệt đối thì đây là nước có ngân sách quốc phòng đứng thứ hai thế giới và cao hơn tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tới 4,7% (tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Trung Quốc dự kiến là 8%). Nhưng Bạch Thư lại gọi sự gia tăng làm cho các nước láng giềng với Trung Cộng phản ứng bằng cách cũng gia tăng ngân sách quốc phòng của mình là “hợp lý và đúng lúc”. Một phần ba ngân sách được dùng để nuôi bộ đội, một phần ba được dùng cho công tác huấn luyện và một phàn ba còn lại thì dùng để mua vũ khí. Chi tiêu cho lĩnh vực thứ ba, trong đó có những hệ thống vũ khí kỹ thuật cao, sẽ gia tăng “với tốc độ cao hơn nữa”. Trung Cộng cũng xem xét các khoản chi cho sứ mệnh giữ gìn hòa bình trên toàn cầu của Liên hiệp quốc và cuộc đấu tranh chống cướp biển. Lực lượng hải quân Trung Cộng đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống bọn cướp biển bên bờ biền Somalia và bằng cách đó, nước này đã thu được kinh nghiệm trong việc thực thi các chiến dịch trên vùng biển quốc tế. Từ tháng 12 năm 2010 các đơn vị hải quân Trung Cộng, bao gồm 18 chiến tàu, đã đến vùng này 7 lần và hộ tống tổng cộng 3139 tàu buôn các loại.
Các cuộc cách mạng Arab tạo điều kiện cho người ta chú ý đến hoạt động trên bình diện toàn cầu của Trung Cộng, cũng như quyền lợi rộng lớn và cần phải bảo vệ của họ trong lĩnh vực cung cấp nhiên liệu và nguyên liệu, xây dựng các công trình công nghiệp, bến cảng và cơ sở hạ tầng giao thông. Bắc Kinh buộc phải sơ tán khỏi Tunisia và Ai Cập mấy ngàn công dân của mình. Trung Cộng cũng vừa thiết lập cầu hàng không và hàng hải lớn nhất trong lịch sử nước mình với Libya, trong đó, lần đầu tiên lực lượng hải quân có một vai trò nào đó. Kết quả là đã đưa được 35.800 người từ Libya về nước, phần lớn trong số họ là những người làm theo hợp đồng. Trung Cộng buộc phải thanh lý các khoản đầu tư và đơn hàng từ Libya trị giá lên đến hơn 20 tỉ dollar.
Theo số liệu của tổ chức Heritage Foundation thì đến cuối năm 2010 Trung Cộng đã đầu tư vào thế giới Arab 37 tỷ dollar (lĩnh vực công nghiệp và tài chính), vào châu Phi 43 tỷ, vào Tây Á (trong đó có Iran) 45 tỷ, vào Đông Á 36 tỷ, vào khu vực Thái Bình Dương 61 tỷ và vào châu Âu 34 tỷ. Bảo vệ các khoản đầu tư đó cũng như bảo vệ những con đường giao thương trong trường hợp khủng hoảng cũng thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Khác với những lần xuất bản trước, cuốn Bạch Thư này trình bày một bức tranh khá ảm đạm về tình hình an ninh hiện nay. Trong đó có nói đến “sự cạnh tranh quân sự mãnh liệt trên thế giới”, cuộc cạnh tranh lan sang cả các lĩnh vực có tầm chiến lược như vũ trụ, không gian điều khiển và các khu vực ở Bắc và Nam cực. Mặc dù nói chung tình hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ổn định, nhưng “các vấn đề an ninh càng ngày càng phức tạp và dễ biến động hơn”. Về nguồn gốc các cuộc xung đột mang tính khu vực, từ Bắc Triều Tiên cho tới Afghanistan thì “hiện chưa xem xét cách thức giải quyết”. “Các hành động khủng bố, ly khai và cực đoan càng ngày càng diễn ra trên qui mô rộng lớn hơn”. Bạch Thư đã công khai nói đến các vấn đề trong quan hệ với Mỹ, Mỹ “đã củng cố các liên minh quân sự và khu vực và can thiệp vào các vấn đề an ninh của khu vực”.
Vì vậy mà Trung Cộng đang gia tăng sức mạnh quân sự của mình. “Những loại tàu ngầm mới, tàu khu trục và máy bay mới và tàu chiến mới đã được đưa vào sử dụng. Người đại diện chính chính thức của Bộ quốc phòng, trong buổi họp báo giới thiệu Bạch Thư, nói rằng các lực lượng vũ trang đang thiết kế vũ khí thế hệ thứ ba. Theo lời ông này thì chiến lược của Trung Cộng là phòng vệ, nhưng không thể nói về vũ khí như thế được. Không có “vũ khí hoàn toàn mang tính chất phòng vệ”, người đại diện của Bộ quốc phòng nhấn mạnh như thế. Cuốn Bạch Thư cũng đưa ra một vài số liệu – thí dụ như lực lượng hải quân được chia làm ba hạm đội độc lập: Bắc, Đông và Nam, còn không quân thì chia làm 7 đơn vị nằm trong các quân khu Thượng Hải, Bắc Kinh, Lanzhou, Ji'nan, Nam Kinh, Quảng Đông và Thành Đô.Tuy nhiên tài liệu này cũng không nói rõ mục đích của những khoản chi cho quốc phòng đang gia tăng nhanh như vậy là gì. Người đại diện của Bộ quốc phòng cũng không trả lời câu hỏi là Trung Cộng có đóng hàng không mẫu hạm hay không và nếu có thì loại vũ khí này ăn nhập như thế nào với quan điểm phòng vệ của Trung Cộng. Trong phần trình bày về lực lượng hải quân, Bạch Thư có nói đến “những biện pháp tiếp tế cho các chiến dịch dài ngày trên biển” cũng như có nhắc tới “các dàn tiếp tế nổi” mà theo mô tả thì người ta có thể nghĩ rằng đấy chính là hàng không mẫu hạm.
Bạch Thư cũng không nói bất cứ điều gì cụ thể về chiếc máy bay ném bom J-20, khó bị phát hiện, vừa được đem ra trình làng và tháng 1 vừa qua. Trung Cộng, một nước có vũ khí hạt nhân, cũng không thấy có nhu cầu phải có những biện pháp nào đó nhằm đáp lại sáng kiến giải trừ hạt nhân mà Nga và Mỹ đã thỏa thuận. Đây là những nước có kho vũ khú hạt nhân lớn nhất, “họ có trách nhiệm trong việc tiếp tục giải trừ kho vũ khí của mình. Quá trình này phải được tiến hành một cách công khai, không đảo ngược được và bắt buộc về mặt pháp lý để tạo điều kiện cho việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí nguyên tử”, tài liệu này nhấn mạnh như thế.
Mặc dù Bạch Thư không che dấu tiềm lực quân sự của mình, nhưng Trung Cộng vẫn dùng một số lời giải thích mang tính nguyên tắc nhằm trấn an các nước láng giềng và thế giới bên ngoài. Lần đầu tiên có hẳn một chương, chương I, nói về “thực hiện những biện pháp quân sự tin cậy”. Việc nổi lên của Trung Cộng “không dẫn tới kết quả là Bắc kinh, trong hiện tại hoặc tương lai, ngả hẳn sang chính sách bành trướng về quân sự - dù nền kinh tế có phát triển nhanh đến đâu thì cũng thế”. Nhưng lời hứa hẹn như thế là một cố gắng nhằm đánh tan những hoài nghi của cộng đồng quốc tế về sự kiện là bước tiếp theo của Bắc Kinh có thể sẽ là “nền quốc phòng tiên tiến”, nhằm bảo đảm an ninh cho những căn cứ quân sự nằm bên ngoài lãnh thổ Trung Cộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét