Tiêu Dao Bảo Cự

“Cơ hội vàng – lần thứ hai” cho dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong bất kỳ thời đại nào của lịch sử Việt Nam, giữ nước luôn là việc của toàn dân chứ không phải chỉ là việc của một triều đình, một thế lực, một đảng, một nhà nước, một quân  đội.
Cách đây hơn 3 năm, ngày 9/12/2007, khi sinh viên Sài Gòn và Hà Nội lần đầu tổ chức cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam, tôi đã viết bài về sự kiện này với tựa đề: “Trung Quốc xâm lược: Cơ hội vàng cho dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam” (Talawas ngày 14/12/2007). Ý tôi muốn nói đây là cơ hội để toàn dân đoàn kết lại, chung sức chung lòng khi cùng có chung một mục đích cao quý; cũng là cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam nếu đảng đứng về phía dân tộc, dựa vào nhân dân để chống xâm lược, từ đó có thể lấy lại được niềm tin, uy tín và sự ủng hộ của nhân dân.


Tiếc thay cơ hội vàng lần thứ nhất đã bị bỏ lỡ khi Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước chủ trương trấn áp biểu tình, rồi sau đó thực hiện một chính sách ngoại giao khiếp nhược đối với Trung Quốc.

Hôm nay, ngày 5/6/2011, thanh niên – sinh viên lại tổ chức biểu tình đồng loạt ở Sài Gòn và  Hà Nội để phản đối Trung Quốc xâm lược. Tôi gọi đây là “cơ hội vàng – lần thứ hai”.

Như mọi người đều biết, Trung Quốc có ý đồ xâm lược Việt Nam và từng bước thực hiện từ lâu trên nhiều mặt: xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải và các hoạt động quân sự, kinh tế, chính trị. Nguyên cớ gần của cuộc biểu tình năm 2007 là hành vi “xâm lăng trên giấy” của Trung Quốc khi quyết định thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 2011 này là do vụ việc tàu hải giám Trung Quốc cắt đứt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 trong vùng lãnh hải của Việt Nam.

Cuộc biểu tình lần này có một số nét mới so với lần trước.

Việc tổ chức biểu tình được quy định rõ ngày giờ, địa điểm, gợi ý cụ thể về khẩu hiệu, thái độ, phản ứng… được tung lên mạng từ cả tuần trước và được cộng đồng mạng thông tin rộng rãi, trao đổi bàn bạc công khai.

Việc tập hợp mau chóng, khí thế, biểu ngữ đa dạng bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Hoa với những nội dung: Phản đối Trung Quốc gây hấn; Phản đối “đường lưỡi bò” phi pháp; Phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam; China – hàng xóm to xác xấu tính; Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam; Chấm dứt ngay thái độ hiếu chiến, bành trướng tại Biển Đông; Hòa bình và Công lý cho Biển Đông; Việt Nam tinh nhuệ hóa quân đội…; kể cả cờ Trung Quốc có vẽ hình đầu lâu và xương người. Cuộc biểu tình kéo dài suốt buổi sáng ở Sài Gòn và Hà Nội.

Thành phần người tham dự, bên cạnh đa số là sinh viên, thanh niên, còn có thêm các văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu, blogger tự do như lần trước. Đặc biệt còn có những người nguyên là sinh viên tranh đấu đô ở thị miền Nam trước 75, cựu quan chức của nhà nước với những tên tuổi quen thuộc như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Cao Lập… và một ông Tây quốc tịch Việt – “đồng chí cũ” André Menras Hồ Cương Quyết.  Những người này đã công khai đối thoại, phản đối những bạn bè, đồng chí hiện còn đương chức đương quyền ở Sài Gòn khi được yêu cầu không tham dự biểu tình. Tinh thần đấu tranh bất khuất ngày nào vì độc lập tự do của tổ quốc lại được khơi dậy sau nhiều năm trầm lắng.

Cuộc biểu tình nói chung khá thuận lợi khi công an chỉ giữ trật tự hay hay yêu cầu giải tán một cách nhẹ nhàng. Hoạt động này đã được nhiều trang web và tổ chức của người Việt ở nước ngoài hoan nghênh. Tinh thần chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc là cái gì lớn lao đã vượt lên những dị biệt về chính kiến.

Về phía Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, cách xử lý đối với cuộc biểu tình cũng có nét mới. Dù đã biết trước và huy động nhiều lực lượng như an ninh, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, dân phòng, nhưng chủ yếu là giữ trật tự và ngăn chặn có chừng mực để giữ cuộc biểu tình trong vòng kiểm soát, không có những hành động thô bạo tại chỗ đối với người biểu tình như lần trước. Tuy nhiên đây chỉ là biểu hiện bề mặt. Bên trong nhiều biện pháp đã được áp dụng để hạn chế tác động của cuộc biểu tình.

Một trường đại học (Đại học Công nghiệp TP HCM) bị phát hiện đã ra chỉ thị cấm sinh viên tham gia biểu tình và dọa đuổi học những ai bất tuân. Những người hoạt động cho dân chủ từ trước bị bao vây, cô lập và ngăn chặn không cho tham gia như Tạ Phong Tần, blogger Mẹ Nấm, blogger Người Buôn Gió, Bùi Chát, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Khắc Toàn…

Báo chí chính thống không hề đưa tin về cuộc biểu tình, chỉ đến ngày hôm sau mới đưa theo tinh thần nội dung bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam chiều hôm trước. Bản tin Thông Tấn Xã này “chán mớ đời”, làm cho người ta vô cùng thất vọng. Bản tin có tựa đề “Về việc một số người tụ tập gần Đại sứ quán Trung Quốc” cho rằng “nói biểu tình chống Trung Quốc là sai sự thật” và chỉ có một số ít người “tụ tập” để biểu lộ lòng yêu nước. Thật không hiểu nổi  cơ quan Thông Tấn Xã này, vì đọc qua bản tin người ta có cảm tưởng đây là một bản tường trình báo cáo để làm hài lòng “ông anh Trung Quốc”. Thật là đáng xấu hổ.

Thực ra đây chỉ là một biểu hiện nhỏ trong chính sách ngoại giao khiếp nhược đối với “người hàng xóm to xác xấu tính”. Ai cũng biết đối với Trung Quốc, chính sách ngoại giao của Việt Nam luôn là hòa hiếu, giữ vững chủ quyền, độc lập, và lịch sử Việt Nam đã có biết bao nhiêu bài học. Hòa hiếu nhưng không phải là hèn nhát cúi đầu chịu nhục hay dâng đất cho ngoại bang. Các triều đại phong kiến ngày xưa đã từng không chịu nhường một tấc đất của núi sông; khi cần đã đánh cho bọn xâm lược tan tành, đại bại, được cấp thuyền, ngựa về đến nước mà còn “hồn kinh phách lạc, ngực đập chân run”; cử người giả hoàng đế sang triều cống trong khi chuẩn bị lực lượng để tấn công… Thời Pháp thuộc, dù trình độ văn minh và vũ khí quá chênh lệch, phải chịu cảnh nô lệ nhưng tinh thần chiến đấu của dân tộc là khi còn một ngọn cỏ, người Việt vẫn còn đánh Tây.

Đối với người Cộng sản Việt Nam, đã một thời không hiếm những người yêu nước nồng nàn, không tiếc máu xương trong cuộc chiến đấu giành độc lập, kiên cường bất khuất trong tù đày tra tấn, không hề hèn nhát. Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam cũng đã từng đọ sức với Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới năm 1979 và những năm tiếp theo, hiểu rất rõ “lòng lang dạ sói” của người “láng giềng bốn tốt”.

Dĩ nhiên hoàn cảnh lịch sử bây giờ đã khác. Mối quan hệ cũng như thế và lực của chúng ta với Trung Quốc khác xưa, bối cảnh quốc tế cũng hoàn toàn khác, nhưng tinh thần Việt Nam vẫn không có gì khác. Để giữ hòa hiếu, hòa bình, đâu cần phải nhượng đất nhượng biển, đâu cần không dám phản kháng khi Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, bắt bớ bắn giết ngư dân (thậm chí không dám gọi tên mà chỉ gọi là “nước lạ”), đâu cần làm ngơ trước nhiều âm mưu thâm độc như khai thác bauxite Tây Nguyên, thuê rừng đầu nguồn và rất nhiều thủ đoạn bỉ ổi trong hoạt động kinh tế làm Việt Nam suy yếu  và trở nên lệ thuộc?! Có người cho rằng, đối với Trung Quốc, Việt Nam chỉ biết “đánh võ mồm”. Và tiếc thay võ mồm này với vũ khí là “cái lưỡi gỗ” của người phát ngôn Bộ Ngoại giao quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một câu “bùa chú” mà ngay người Việt cũng chán không muốn nghe vì nó chẳng có tác dụng gì cả.

Về vụ tàu Bình Minh 02, người phát ngôn Bộ Ngoại giao có nói dài hơn một tí, nhưng đâu phải thế là đủ. Đối với bất cứ nước nào (như Philippines đã từng làm), trước sự việc tương tự, việc tối thiểu là phải cho tàu chiến, máy bay đánh đuổi tàu xâm phạm, triệu tập đại sứ Trung Quốc đến để cảnh cáo (chứ không phải cử người đến tòa đại sứ của họ). Đó mới là cách hành xử xứng đáng của một quốc gia có chủ quyền. Dĩ nhiên tiếp theo phải có nhiều biện pháp khác, như việc Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa làm trong Hội nghị Shangri-la, nêu vấn đề ra với quốc tế và với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.

Trong bất kỳ thời đại nào của lịch sử Việt Nam, giữ nước luôn là việc của toàn dân chứ không phải chỉ là việc của một triều đình, một thế lực, một đảng, một nhà nước, một quân  đội. Hơn ai hết, những người Cộng sản Việt Nam hiểu thế nào là dựa vào dân, chiến tranh nhân dân. Nhân dân đã tự phát nêu cao lòng yêu nước, ý thức giữ gìn lãnh thổ, tại sao không phát huy, dựa vào sức mạnh nhân dân để đối phó với xâm lược. Một thiểu số nào đó trong bộ máy cầm quyền, vì một lý do nào đó như lợi ích cá nhân, gia đình, phe nhóm muốn ngăn cản điều này chính là đưa đất nước vào họa diệt vong.

Cơ hội vàng lại vừa xuất hiện nhưng e rằng lạ liệu có bị bỏ lỡ lần thứ hai? Trách nhiệm này thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước.
Đà Lạt 5-6/6/2011
Tiêu Dao Bảo Cự


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và trên tinh thần 4 tốt đang phát triển hết sức mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Hiện Trung Quốc là đối tác lớn, là bạn hàng lớn của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng mạnh và đều qua các năm.


Trong bất kỳ thời đại nào của lịch sử Việt Nam, giữ nước luôn là việc của toàn dân chứ không phải chỉ là việc của một triều đình, một thế lực, một đảng, một nhà nước, một quân  đội."
Đối với đảng CSVN đất nước là cuả đảng chứ có là cuả dân bao giờ đâu. Đảng khi cần sức dân thì mới nói đất nước là cuà dân. Chứ khi đảng đã nắm quyền hành rồi thì như Nguyễn Chí Vịnh "nói các hoạt động biểu tình như trên là "không nên, dù đây là bắt nguồn từ lòng yêu nước". "Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc.". Việc nước là việc cuả Đảng, nếu không thì liệu hồn. Nếu việc nước là việc cuả dân thì Đảng đã chết tự bao giờ rồi.
Đảng muốn sống còn thì Đảng phải bịt miệng dân. Tiền nhân đã nhắc chúng ta muốn tồn tại thì đừng quên mà phải thực hiện châm ngôn "Dân vạn đại, quan thứ chi". Giặc đã vào nhà rồi:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét