HKP

Quân Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979
Năm tôi lên chín, Trung Quốc tấn công
Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Yếu tố chính trị trực tiếp nào đưa đến cuộc chiến năm 1979? Có phải là xu hướng “ly khai” của cộng đồng Hoa kiều phía Nam khi đòi giữ ngoại tịch và chối bỏ quốc tịch Việt Nam vào nửa cuối thập niên 70?
Hay là chính sách bài trừ tư bản mà cộng đồng Hoa kiều bị ảnh hưởng nhiều nhất? Hay đó là câu trả lời cho cuộc chiến của Việt Nam với Cambodia
nhằm trừ khử Khmer Đỏ, khi đó đang được Trung Quốc đỡ đầu?Phải chăng Trung Quốc gây chiến để dằn mặt khi Việt Nam đang giao hảo chặt chẽ với Liên Xô và mở rộng ảnh hưởng tới Lào và Cambodia? Hay để Trung Quốc lấy điểm với Mỹ vì lúc đó chiến tranh lạnh vẫn đang căng thẳng?

Hay nó đơn thuần để giải quyết những xung đột nội bộ Trung Quốc để lại từ thời kì Tứ Nhân Bang ? Tất cả những khả năng trên, các sử gia phương Tây cho tới nay vẫn chưa ai có số liệu thật đầy đủ và thuyết phục.

Vết thương khó lành

Nhưng cho dù với bất cứ lí do gì thì đây cũng là một cuộc chiến hết sức man rợ và vô nhân đạo, vì chưa đầy 30 ngày mà gần một trăm ngàn người (60-100 ngàn theo các số liệu khác nhau) của cả hai phía đã thương vong.

Chừng nào những ẩn số lịch sử về nguyên nhân cuộc chiến chưa được sáng tỏ trước công luận và lịch sử thế giới thì chừng đó nguy cơ để xảy ra những tranh chấp tương tự giữa Trung Quốc và các nước láng giềng còn có cơ hội tái diễn, đặc biệt khi nền chính trị tại quốc gia khổng lồ này còn dựa trên nền tảng độc tài toàn trị.

Mặc dù cuộc chiến đẫm máu chính thức diễn ra khá ngắn ngủi nhưng những đợt pháo kích dai dẳng dọc tuyến biên giới, kéo dài nhiều năm sau đó mới để lại những “vết thương” khó lành trong kí ức đương đại của dân chúng Việt Nam, đặc biệt là dân miền Bắc.

Làng tôi sống khi ấy gồm ba xóm, nay thuộc quận Ba Đình, vậy mà cũng có tới hai anh đi bộ đội bị pháo chết trên “chốt”.
Từ “lên chốt” đã có lúc được nhiều thanh niên nhắc tới như “ác mộng”. Dù mục tiêu chiến lược của việc tấn công Việt Nam vẫn còn nhiều uẩn khúc lịch sử nhưng về mặt nào đó Trung Quốc đã thành công trong việc gây nên một tâm lý lo lắng bất ổn, pha sự sợ hãi trong các thành phần dân chúng Việt Nam.

Tuy nhiên điều Trung Quốc không lường hết là cuộc chiến 79 giống như một nhát cuốc tàn bạo, lật thẳng “tấm ván thiên” chôn nỗi căm thù sâu thẳm và âm ỷ của các dân tộc Việt với kẻ xâm lược ngàn năm từ phương Bắc.

Sự căm thù tưởng đã có lúc bị vùi lấp đi bởi “tấm tình đồng chí” môi hở răng lạnh, hay bởi những luận điệu tuyên truyền “Núi liền núi, sông liền sông” hữu hảo.

Xâm lăng 1979 đã đánh mạnh vào lòng tự hào của các dân tộc Việt, cái mà ở chừng mực nào đó đã giúp họ tồn tại anh dũng bên cạnh “đế quốc” Trung Hoa trong ngàn năm không bị đồng hóa, kể từ chiến thắng Bạch Đằng.

Mục đích Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học bằng cuộc chiến 1979 có lẽ cũng man dại và phản tác dụng không khác gì việc trước đó quân đội Mỹ ném bom rải thảm nhằm đưa Hà Nội quay lại “thời kì đồ đá”.

Về mặt lịch sử, chiến tranh 79 là một mũi tiêm chủng tái khởi động ý thức đề kháng mãnh liệt chống lại dã tâm tạo ảnh hưởng và “kiểm soát” của Trung Quốc với Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Với những kí ức và thông tin của riêng mình có được, tôi không hề nghĩ rằng cuộc chiến tranh 1979 chỉ dừng lại ở khẩu hiệu của Đặng là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Cuộc chiến kéo dài

Cuộc chiến đã không thực sự kết thúc sau năm 1979. Hơn thế, nó là một tính toán lâu dài, thậm chí nó là một phần trong cả một chính sách lớn của Trung Quốc với Việt Nam mà hành động phát lộ đầu tiên là đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Mặc dù trước đó lính Trung Quốc đã lấn chiếm bằng cách di dời cột mốc biên giới khi giúp chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa làm đường.

Sự ngẫu nhiên của số phận và nghề nghiệp đã cho tôi thêm tư liệu và thông tin để nhìn nhận chi tiết mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” rất mai mỉa này.

Với quyết tâm tìm cho ra mối quan hệ của một số loài muỗi sốt rét chính ở Việt Nam và mối tương quan dẫn truyền của nó qua biên giới Việt-Trung, tôi đã đi hàng chục chuyến công tác tại dọc tuyến biên giới Việt Trung.

Ở nhiều nơi khi tôi đến, danh nghĩa là cuộc chiến đã qua 20 năm, ký ức về sự man rợ của cuộc chiến như vừa mới hôm qua. Lần đầu đến Hà Giang, ngồi cạnh bác lái già chạy xe Hà Giang-Vị Xuyên, ông kể. “Năm 79 nó sang, dân bên mình hoàn toàn bị bất ngờ, vì thế thiệt hại là vô kể.

”Nó rút đi đặt mìn giật sập bất cứ cái gì gọi là do tay con người tạo nên. Mìn nó còn gài lại vô số trong các khu dân cư, tỉnh lộ. Mà nào có yên, pháo nó còn “củng” sang đây liên tục tới năm 88-89.

”Thằng con tôi đi củi với hai thằng bé cùng lớp bị trúng mìn. Hai đứa chết, một đứa cụt hai chân, mù mắt”. Phía Việt Nam đã hoàn toàn bị bất ngờ trong cuộc chiến 79.

”Khu vực “Hữu nghị Quan”, dân các xã xung quanh kể lại là chiều hôm trước lính Tàu còn sang đá bóng với thanh niên địa phương và lính biên phòng Việt Nam. Tối hôm đó có chiếu bóng ngoài bãi, bọn lính Tàu còn sang chơi đầy, thế mà sáng hôm sau nó tấn công”.

Nhóm nghiên cứu của tôi đã “nằm” ở Cà Liểng, nơi có hẻm núi hẹp, độc đạo, mà xe tăng Trung Quốc đã vào Việt Nam ở ngả Cao Bằng. Một cô giáo bản, dân tộc Mèo “đen” sáng hôm đó chở ông bố xuống huyện khám bệnh.

Tự dưng thấy rất nhiều xe tăng với “bộ đội” ngồi trên ở phía sau tiến tới. Ông cụ giơ tay chào nhưng sau thấy xe tăng cứ tiến sát như muốn nghiến lên chiếc xe đạp, ông kêu ầm lên để các chú “bộ đội” nghe thấy.

Đột nhiên thằng ôn vật ngồi trên tháp pháo rút súng làm đánh đùng một cái vào đầu ông cụ.

Ông cụ lăn xuống chết tức khắc, cô con gái sợ quá quăng xe đạp lao vào rừng, chạy tắt xuống huyện đội. Lúc đó người ta mới ngã ngửa ra là Tàu đánh. Dân Thạch An, Cao Bằng mạnh ai nấy chạy, giạt hết lên núi.

Vào sâu trong rừng, người đồng bào sau đó tìm thấy những vạt rừng phủ kín quần áo, võng, bạt, vỏ đồ hộp và phân… của bọn lính sơn cước Tàu. Chúng đã ém quân từ khá lâu trước đó. Từ đỉnh núi đồng bào địa phương nhìn ngay xuống bản, thậm chí sân nhà mình. Nhiều người phải liều mạng lẻn về để lấy muối, lấy dao, quần áo…

Chiều đến họ thấy hàng chục thằng lính Tàu “vật nhau” với những chiếc xe đạp của dân bỏ lại.

Bọn lính này được tuyển mộ từ những vùng cực kì nghèo đói và lạc hậu của Hoa lục nên không biết ngay cả đi xe đạp.

Không ngạc nhiên rằng chúng hết sức tàn bạo và hung hãn. Đối với người dân tộc sống dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, căn nhà và các vật dụng thiết thân như con dao, cái cối đá, ngọn đèn dầu là những vật vô cùng quí giá.

Nắm được tâm lí này, bọn lính Tàu được lệnh tàn phá mọi thứ dù là nhỏ nhất, trước khi rút đi.

Người dân các vùng từ Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai… đều kể cho tôi nghe những chi tiết khá tương tự rằng khi về lại nhà cũ, tất cả bị thiêu trụi. Những chiếc đèn dầu hỏa, vại dưa, chum nước, cối đá… đều bị đập vỡ, ngay cả những con dao bài giắt ở vách bếp cũng bị chặt vào nhau cho nát lưỡi dao, giếng nước bị sâp vì lựu đạn tống xuống.

Năm 1986, trong một chuyến thực tập hè ở Lương Sơn, Hòa Bình, tôi ở cùng những trung đoàn lính Việt nam đang tập đạn thật vì địa hình Lương Sơn tương tự Vị Xuyên, Hà Giang.

Sau một tháng họ sẽ đi Vị Xuyên. Những người lính trẻ âu lo vì những tin tức ác liệt từ Vị Xuyên và các điểm nóng khác vẫn truyền về trong suốt nhiều năm sau 1979.

Đầu năm 1988, Trung Quốc tấn công Trường Sa, 74 bộ đội Việt Nam đã bị thiệt mạng.

Năm 1995, theo anh bạn học làm kiểm dịch sinh vật, tôi lên cửa khẩu Chi Ma. Mặc dù hai nước lúc đó đã “bình thường hóa” và thông thương buôn bán nhưng những dãy đồi trùng điệp liền kề với cửa ải này vẫn dày đặc các trận địa mìn.

Xung đột lẻ tẻ trên đường biên vẫn liên tiếp xảy ra. Ban đêm, các cột mốc bị di dời vào đất Việt Nam như cơm bữa. Nhiều năm trở lại đây, trên biên giới bộ cột mốc vẫn bị di chuyển.

Trên biển, Trung Quốc nhiều lần dùng tàu chiến tấn công thuyền đánh cá và giết hại ngư dân Việt nam. Sự leo thang đã trắng trợn tới mức báo động khi Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc huyện Tam Sa của Hải Nam cuối năm 2007, xua đuổi các công ty liên doanh thăm dò dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn của Việt nam và vừa rồi quyết định đầu tư 29 tỷ đôla để khai thác dầu trong hải phận Việt Nam.

Tiền Việt Nam giả được in bằng những kỹ thuật tinh vi từ Trung Quốc, tràn ngập qua các ngả biên giới vào Việt Nam. In bạc giả là một loại tội phạm nghiêm trọng ở mọi quốc gia. Sản xuất tiền giả để tung vào quốc gia khác là vi phạm luật pháp và công ước quốc tế.

Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn im lặng trước những hoạt động tội phạm quy mô lớn này. Rõ ràng sự tấn công Việt Nam bằng quân sự trên biển và đất liền, tấn công chính trị và ngoại giao, tấn công phá hoại kinh tế… kéo dài hàng chục năm sau cuộc chiến, qua nhiều đời Tổng bí thư của Trung Quốc ắt phải là mưu đồ làm cho nước láng giềng nhỏ bé phải “chảy máu” tới chết.

Người Mỹ từ lâu đã có trách nhiệm hỗ trợ rà gỡ bom mìn trong chiến tranh, sao tới nay người Trung Quốc vẫn tảng lờ những trận địa mìn nằm trên đất Việt?

Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Việt Nam, sẽ còn mất hàng chục năm nữa để giải phóng các trận địa mìn nằm trên đất Việt, dọc biên giới phía Bắc.

Những trái mìn Made in China đang nằm trên đất Việt chính là những bằng chứng hiển nhiên để mỗi người dân Việt nam có cơ hội đánh giá sự thành thật, thiện chí theo phương châm “16 chữ vàng” từ phía nước láng giềng khổng lồ phía Bắc này.
HKP
Nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/02/090224_sino_viet_reflection_tc2.s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét