Quái chiêu "Song Thủ Hổ Bác"
Hồ Cẩm Đào tiếp Nguyển Phú Trọng tại Đại lễ đường Nhân dân. |
Tin mừng cho võ lâm: quái chiêu "song thủ hổ bác" tưởng đã thất truyền, nhưng Vixi sư tổ (cũng còn gọi là tổ sư) vừa biểu diễn môn võ "tay này đánh tay kia" vô cùng thuần thục. Nghe đâu tổ sư Vixi là truyền nhân của Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, và đã học được bí kíp quyền thuật này ngày còn luyện công dưới hang Pắc Bó.
Ngày 11 tháng Mười vừa qua, tổ sư cho tay trái Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh bái kiến Hồ Cẩm Đào, tên anh chị chúa trùm đảng Cao Bồi Vườn đang hà hiếp xóm nhà lá dựng quanh Biển Đông. Tổ sư Vixi tôn thờ cái triết lý "một câu 'bẩm vâng', là dâng một đảo", câu này là một trong nhiều triết lý trong cái túi khôn của giống xương sống song song với mặt đất đang bò đầy thành phố Hà Nội.
Truyền thống "bẩm vâng" khởi đi từ thành tích Phạm Văn Đồng vâng một tiếng, dâng Hoàng Sa.
Tổ sư bảo Nguyển Phú Trọng, "Hồ chủ tịch Cẩm Đào có bảo gì thì cũng cứ 'bẩm vâng'; thà dâng nhiều hải đảo cho Trung Quốc, còn hơn mất mạng trong một cuộc nổi dậy của người Việt Nam."
Tổ sư ngần ngại không theo Mỹ cũng chỉ vì điều kiện tiên quyết mà Mỹ đòi hỏi là nhân quyền; mà hễ có nhân quyền, có dân chủ là Vixi mất quyền.
Tuân lệnh tổ sư, Nguyển Phú Trọng sang Bắc Kinh và được Hồ Cẩm Đào tiếp đón tại Đại lễ đường Nhân dân. Ngay sau đó, Trọng bị bắt ký vào bản thỏa ước 6 điểm.
Một ngày sau cái ngày Nguyễn Phú Trọng, cánh tay trái của tổ sư Vixi, ký kết song phương với Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh thì cánh tay phải Trương Tấn Sang dắt vợ sang thăm Ấn Độ. Trạm ngừng đầu tiên là thành phố Bangalore, thủ phủ bang Karnataka.
Thủ hiến bang Karnataka S.Hans Raj Bhardwaj tiếp đón phái đoàn Việt Nam. Bangalore là thành phố lớn thứ ba của Ấn Độ, trung tâm công nghệ phần mềm, được mệnh danh là “thung lũng Silicon” đầu tiên của châu Á và Ấn Độ. Đây cũng được gọi là thành phố đại học của Ấn Độ với hơn 120 trường đại học tầm cỡ quốc tế.
Thủ hiến Raj Bhardwaj nói Bangalore hiện có trên 500 sinh viên Việt Nam đang theo học trong hầu hết mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ phần mềm. TP Bangalore đã đón nhiều đoàn kinh tế Việt Nam sang học tập và trao đổi trong hợp tác về thương mại, đầu tư. Các công ty lớn của Ấn Độ sẵn sàng đáp ứng và tìm hiểu những nhu cầu về công nghệ cao, công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam.
Trương Tấn Sang ca ngợi sự phát triển không ngừng của Bangalore nói riêng và bang Karnataka nói chung, đồng thời khuyến khích các công ty lớn của Ấn Độ có trụ sở tại Bangalore đầu tư và xây dựng khu công nghệ cao của Ấn Độ tại Việt Nam, coi đây là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Trương Tấn Sang cũng khẳng định chính sách của Việt Nam luôn mong muốn không ngừng củng cố, tăng cường hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Độ, trong đó có việc tăng cường giao lưu nhân dân vì sự hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Chiều cùng ngày, ông Sang đã đi thăm Tập đoàn Infosys.
Đến Tân Đề Ly, ông Sang được thủ tướng Ấn Monmohan Singh tiếp đón. Cả hai cùng ca ngợi sự hợp tác Việt-Ấn trên bình diện chiến lược đang củng cố nền an ninh Nam Á và mở triển vọng kinh tế Biển Đông.
Hai vị nguyên thủ hứa với nhau là sẽ thúc đẩy nhiều cuộc gặp gỡ giữa giới cầm quyền 2 nước để đẩy mạnh hơn nữa những hợp tác trong vùng Nam Á và Biển Đông.
Thủ tướng Ấn Monmohan Singh tiếp đón chủ tịch Trương Tấn Sang
Ấn đã đưa chiến hạm Airavat vào thăm Nha Trang và Hải Phòng; trong cuộc thăm viếng này hạm trưởng Ấn nói là bị một người vào băng tần truyền tin, tự xưng là "hải quân Trung Quốc" và cảnh cáo ông là chiếc Airavat đang xâm phạm hải phận Trung Quốc.
Phát ngôn viên Trung Quốc Khương Du đính chánh là Trung Quốc không cảnh cáo chiếc Airavat.
Sau Ấn Độ, ông Sang đến thăm đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan?) một nước nhỏ trên Ấn Độ Dương, dân số 20,653,000, mỗi người dân có lợi tức 5,220 mỹ kim/năm.
Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể, hai bên đều hài lòng về quan hệ song phương đã phát triển nhanh kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1970. Việt Nam mới mở lại Đại sứ quán tại Sri Lanka từ tháng 4-2011 và việc ký 8 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành trong chuyến thăm này là một biểu hiện sinh động của nguyện vọng tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Về các lĩnh vực hợp tác đa phương, hai nước đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ song phương trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hiệp quốc, Phong trào không liên kết, Hợp tác Nam - Nam, Kế hoạch Colombo, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Nhân dịp này, Tổng thống Sri Lanka công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và ủng hộ Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2013-2016. Hai bên khẳng định mong muốn và quyết tâm hợp tác cùng nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước vì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Rajapaksa
Cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí thân mật, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau. Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Rajapaksa đã chứng kiến lễ ký các văn kiện.
Cùng ngày, tại Hội trường Khách sạn Taj Samudra, thủ đô Colombo, Sri Lanka, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã có mặt tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Sri Lanka – Việt Nam.
Dĩ nhiên những việc hai cánh tay Trương Tấn Sang và Nguyển Phú Trọng làm, không đi đôi với nhau. Khác nhau là căn bản của thế võ "song thủ hổ bác"; ngày mới tập thần quyền này sư tổ Lão Ngoan Đồng mất đến 4 tháng để bắt tay trái vẽ hình tròn, trong lúc tay phải vẽ hình vuông.
Hình vuông là việc Trương Tấn Sang ký khế ước cho Ấn Độ khai thác dầu trên Biển Đông, và hình tròn là việc tay trái Nguyển Phú Trọng cam kết với Hồ Cẩm Đào sẽ tôn trọng phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Điều đáng ghi nhận là ông bạn Phương Bắc đột nhiên trở thành "hảo nhân", thu móng vuốt lại, hiền lành, dễ thương như một con mèo, thôi không hung hăng như con cọp nữa. Ông ta bị bí kíp "song thủ hổ bác" tát vào mặt, làm 2 gò má bầm tím, mà vẫn ngoan ngoãn ngồi yên.
Câu hỏi ai cũng muốn đặt ra là "Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc thay đổi thái độ?".
Ngoại trưởng Hillary Clinton trả lời cho câu hỏi này bằng bài bào bà viết "Thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ", đăng trên tờ Foreign Policy.
Bà Clinton, người đang bắt Trung Quốc ngồi yên
"Vào lúc Thái Bình Dương đang xây dựng những cơ cấu kinh tế và an ninh vững chãi hơn để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng, cam kết của Hoa Kỳ tại đây là hết sức cần thiết," bà Clinton viết.
"Cam kết này giúp xây dựng những cơ cấu đó và giúp Hoa Kỳ giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều năm trong thế kỷ này, cũng giống như cam kết hậu Thế Chiến II của chúng ta đối với việc xây dựng các quan hệ và hệ thống định chế xuyên Đại Tây Dương mang tính chiến lược và lâu dài đã mang lại kết quả lớn hơn nhiều so với đầu tư ban đầu và vẫn tiếp tục như vậy."
Bà Clinton nói việc đảm bảo hòa bình và an ninh tại Châu Á Thái Bình Dương ngày càng có ý nghĩa quan trọng cho tiến bộ toàn cầu cho dù đó là chuyện bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), ngăn chặn cố gắng phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên hay đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động quân sự của những nước lớn trong khu vực.
"Chúng ta là cường quốc duy nhất với mạng lưới liên minh mạnh mẽ trong khu vực nhưng không có tham vọng lãnh thổ mà chỉ có lịch sử phụng sự lợi ích chung," bà Clinton viết.
Hillary ve vuốt dỗ dành Trung Quốc, "Sự thật là một nước Hoa Kỳ hùng mạnh tốt cho Trung Quốc và một nước Trung Quốc hùng mạnh tốt cho Hoa Kỳ."
Nhưng ngay sau đó bà khuyến khích Trung Quốc tích cực tham gia vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và cùng lúc gia tăng tính minh bạch trong các hoạt động quân sự để không tránh hiểu lầm giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bà Clinton nói sức mạnh của các giá trị Hoa Kỳ còn quan trọng hơn cả sức mạnh quân sự và kinh tế.
Bà nói trong khi họ thắt chặt thêm quan hệ với các nước mà Washington có khác biệt về hệ giá trị, người Mỹ luôn thúc giục các nước này thúc đẩy cải cách để cải thiện hệ thống quản trị, bảo vệ nhân quyền và tăng cường tự do chính trị.
Bà đưa Việt Nam ra làm ví dụ.
"Chúng ta đã nói rõ ...với Việt Nam rằng tham vọng phát triển quan hệ chiến lược đòi hỏi họ phải có những bước đi nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người và thúc đẩy tự do chính trị."
Bà Clinton nói Hoa Kỳ vẫn có nhiều cái nhất trên thế giới trong đó có quân đội mạnh nhất.
"Khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, có vô vàn các nhà bình luận toàn cầu đưa ra ý tưởng rằng Hoa Kỳ đang rút lui và đây là đề tài cứ vài năm lại được lặp lại.
"Nhưng bất cứ khi nào Hoa Kỳ gặp khó khăn, chúng ta đều có thể vượt qua nhờ tái sáng tạo và đổi mới. Khả năng trở lại với thế còn mạnh hơn trước của chúng ta là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại.
"Nó bắt nguồn từ mô hình dân chủ tự do và doanh nghiệp tự do của chúng ta, mô hình hiện vẫn là phương tiện mạnh mẽ nhất tạo ra sự thịnh vượng và tiến bộ mà loài người từng biết tới".
Vị ngoại trưởng nhắc lại cho thế giới thấy Hoa Kỳ vẫn có nền kinh tế mạnh nhất thế giới, quân đội có vị trí số một, hiệu suất lao động của người Mỹ cao nhất thế giới và các trường đại học của Hoa Kỳ nổi tiếng khắp thế giới.
"Bởi vậy không thể nghi ngờ chuyện Hoa Kỳ có khả năng giữ vững và đảm bảo sự lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ này như chúng ta đã đạt được trong thế kỷ trước," bà nói.
Mặc dù biết chi tiết về tình hình Biển Đông, và đang lèo lái những diễn biến trên mặt biển này đi đúng hướng, nhưng điều Hillary Clinton không biết là bà đang giúp hồi sinh lại thế võ thất truyền "song thủ hổ bác".
Thái độ "nước đôi" của Việt Cộng không chỉ giới hạn trên bình diện ngoại chính, mà còn đang bị Hoa Kỳ thúc đẩy thực hiện dân chủ trong nội chính nữa. Chính Hillary "đòi hỏi họ phải có những bước đi nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người và thúc đẩy tự do chính trị."
Hai bàn tay Trương Tấn Sang và Nguyển Phú Trọng đã tát vào mặt Hồ Cẩm Đào; hai bàn tay nào sẽ tát vào mặt Vixi tổ sư?
Nguyển đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét