Thanh Quang

Sự toàn vẹn lãnh thổ là vĩnh cửu

AFP photo : Một cuộc biểu tình phản đối
 Trung Quốc tại Hà Nội hôm 24/6/2011
Khi “một mùa Thu nữa lại đến”, theo blogger Huỳnh Thục Vy, thì “mọi thứ dường như dịu hẳn lại để bước vào những ngày Thu mát mẻ”, để lòng người xúc cảm mà thấy “nuối tiếc về quá khứ, bức xúc hiện tại và bất an cho tương lai”.
Dấu ấn lòng ái quốc

Nếu “Tiếng Thu” ngày nào của thi sĩ Lưu Trọng Lư có “trăng mờ thổn thức, có hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ, có con nai vàng ngơ ngác đạp lên lá vàng khô”, thì Tiếng Thu
ngày nay của Huỳnh Thục Vy là một kỷ niệm khó phai – mà lại còn sâu đậm – vì những tổn thương khó nhạt nhòa; thậm chí có nhiều nước mắt ! Tác giả tâm sự qua bài viết gởi các “anh chị em tham gia biểu tình”:
"Một mùa thu nữa lại đến. Sau bao oi bức của thời tiết và rộn rã của nhịp sống mùa hè, mọi thứ dường như dịu hẳn lại để bước vào những ngày thu mát mẻ. Sau những ngày nhiệt tình, sôi nổi biểu tỏ tinh thần trách nhiệm của chúng ta khi tổ quốc lâm nguy, lại bị đối xử thô bạo, các anh chị em có thể bình tĩnh và dịu lòng lại để suy nghĩ về nhiều điều. Mùa thu, lòng người cũng lắng xuống dành chỗ cho những suy tư sâu kín: những nuối tiếc về quá khứ, bức xúc hiện tại và bất an cho tương lai….

Việt Nam những ngày mùa hè vừa qua chắc sẽ là kỷ niệm khó phai trong lòng anh chị em. Nhưng những ngày đầu thu này lại càng sâu đậm hơn vì những tổn thương thường khó quên hơn những hồ hởi. Dõi theo hành trình của các anh chị em trong suốt 11 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vừa qua, nhiều suy nghĩ vui buồn, lo lắng và hi vọng đan xen trong lòng tôi kể từ ngày chủ nhật không biểu tình ấy.

...Những ngày cuối hè đầu thu năm nay là khoảng thời gian buồn, thậm chí có cả nước mắt của anh chị em. Nhưng thái độ và cách cư xử của Nhà cầm quyền sẽ vạch rõ bản chất của họ ra trước con mắt phán xét của toàn dân và những cuộc tuần hành của quý anh chị em sẽ đi vào lịch sử như một dấu ấn về tinh thần ái quốc của người dân Việt Nam chúng ta. Và hơn thế nữa, chúng sẽ thúc đẩy những hành động có ý nghĩa khác trong tương lai. Nếu nước nhà có một cuộc thay đổi lớn lao và ý nghĩa thì hành động của anh chị em là bước đầu tiên cho cuộc chuyển mình quan trọng đó."

Nếu nước nhà có một cuộc thay đổi lớn lao và ý nghĩa thì hành động của anh chị em là bước đầu tiên cho cuộc chuyển mình quan trọng đó.

Blogger Huỳnh Thục Vy

Nhắc đến những cuộc tuần hành sẽ “đi vào lịch sử như một dấu ấn về tinh thần ái quốc”, có lẽ người dân Việt yêu nước không khỏi không liên tưởng đến “thành phố Hà Nội của hòa bình” đã biến thành “TP của công an”.

Khi đề cập tới thư ngỏ của luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc VN TP. HCM, nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng không quên bày tỏ nỗi niềm rằng “Cái tình cảm hướng về Hà Nội của người Sài Gòn đã có từ hơn nửa thế kỷ trước, khi lịch sử mang hơn 2 triệu người dân miền Bắc vào miền Nam sinh sống. Cái tình cố hương đã đành, nó còn là cái tình đất nước khi còn chia cắt.

Hà Nội là linh hồn của người Việt mà như một nhà thơ đã từng nói “Mỗi người Việt Nam dù ở đâu cũng mang theo trong máu của mình một hạt phù sa của Sông Hồng …Thế mà nay có người ở ngay chính Thủ đô phải kêu lên “Thành phố của hòa bình” đã biến thành “Thành phố của công an”. Ông tướng của quân đội lại đi thề nguyền hứa hẹn với kẻ đang uy hiếp Tổ quốc, miệng nói một đàng tay làm một nẻo -“hôn má bên này bật máu má bên kia”.

Lời cam kết gây phẫn nộ

Nhưng luật gia Lê Hiếu Đằng gởi thư ngỏ cho giới lãnh đạo VN để ông trình bày hai việc: Thứ nhất là chủ trương cấm các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa kèm theo hành động đàn áp, dùng phương tiện truyền thông Nhà nước cố tình bôi xấu những người thể hiện lòng yêu nước là “sự xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của một số nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và một bộ phận nhân dân thủ đô Hà Nội đã từng tham dự các cuộc tuần hành”.
Thứtrưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh
 tại Hà Nội hôm 07/10/2011. AFP
Và thứ hai là "Trong vòng đối thoại thường niên về quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây, ông Nguyễn Chí Vịnh – thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHXHCN VN đã có những phát biểu mà nhiều người, trong đó có tôi… cho rằng vượt thẩm quyền của một thứ trưởng Quốc phòng. Nội dung gây phẫn nộ trong những nhân sĩ, trí thức và đông đảo nhân dân là việc ông Vịnh đã thông báo cho phía Trung Quốc “Chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”.

Ông Vịnh nhân danh ai, nhân danh cái gì mà đã hạ mình để làm vui lòng nhà cầm quyền Trung Quốc khi thông báo và hứa với Trung Quốc như vậy. Việc nhân dân VN biểu tình chống lại hành động bành trướng xâm lược có hệ thống của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và thái độ của nhà nước VN hoàn toàn là chuyện nội bộ của một nước có chủ quyền. Ông Nguyễn Chí Vịnh lấy quyền gì mà cam kết một cách nhục nhã với nhà cầm quyền Trung Quốc như vậy? Các vị với tư cách những nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước VN, của Đảng Cộng Sản VN có ủy quyền cho ông Vịnh nói với Trung Quốc nội dung trên hay không? Hành động và lời nói của ông Vịnh đã xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự tôn và danh dự của cả một dân tộc đã có một quá trình chống ngoại xâm vô cùng hiển hách."

Nhưng liệu thư ngỏ ấy – cũng như nhiều thư ngỏ, kiến nghị tâm huyết khác – có cùng chung số phận như blogger Nguyễn Văn Tuấn mô tả, là “thường bị các quan chức đáp lại bằng một sư im lặng đáng sợ” thể theo “văn hóa im lặng” của các cơ quan công quyền VN hay không? Liệu thư ngỏ của luật gia Lê Hiếu Đằng có rơi vào trường hợp mà nhạc sĩ Châu Kỳ diễn tả “Sao chưa thấy hồi âm, thư gởi đi mấy lần, đợi hồi âm không thấy…” không ? Nhưng không sao, có lẽ điều mà các tác giả thư ngỏ hay kiến nghị mong muốn là được công luận biết nội dung họ cần trình bày.

Nhắc tới chuyện tướng Nguyễn Chí Vịnh “làm vui lòng” Trung Nam Hải, nhà bình luận Ngô Nhân Dụng viết bài “Đới Bỉnh Quốc bình thiên hạ” được nhiều mạng nhật ký phổ biến, có đoạn mô tả rằng:

"Từ khi Nông Ðức Mạnh triều yết Bắc Kinh giữa năm 2008, rồi cuối năm Nguyễn Tấn Dũng tiếp theo sang Tàu để kết thúc các hiệp ước biên giới, và mở cửa nước Việt Nam cho các công ty Trung Quốc bán sản phẩm và sang làm ăn, Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào quỹ đạo Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng muốn nắm đầu cả về văn hóa tư tưởng, họ phải dùng guồng máy đảng. Tình trạng này thể hiện trong cuộc thăm viếng của ông Ðới Bỉnh Quốc vừa qua...

Trước ngày ông Ðới Bỉnh Quốc sang Hà Nội, bộ máy công an của đảng Cộng Sản Việt Nam đã dẹp tan tất cả các cuộc biểu tình kéo dài hơn hai tháng trước đó. Trong ý thức hệ bao gồm với hai chữ Thiên Hạ, thiên hạ phải có trên có dưới! Nếu những người lãnh đạo nước Việt Nam đã chấp nhận theo đường Trung Quốc, tiến lên một Chủ Nghĩa Xã Hội nào đó (với đặc tính Trung Quốc tất nhiên) thì cũng phải hướng dẫn dư luận dân Việt theo chiều hướng của thiên triều. Ông Ðới Bỉnh Quốc đã hoàn tất một công tác trong quá trình Bình Thiên Hạ!"

Hành động và lời nói của ông Vịnh đã xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự tôn và danh dự của cả một dân tộc đã có một quá trình chống ngoại xâm vô cùng hiển hách.

Luật gia Lê Hiếu Đằng

Qua bài tựa đề “Đừng tiếc nuối những gì mà loài người đã loại bỏ đi”, được blog Anhbasam, Dân chủ Nhân quyền cho VN và nhiều mạng khác phổ biến, tác giả Hoàng Lại Giang có lưu ý về mối quan hệ Việt-Trung, nhận xét rằng “Về hình thức, đây là hai nước láng giềng có chung một thể chế chính trị là chủ nghĩa Mác-Lê-Mao. Nhưng tiềm ẩn bên trong mối quan hệ 16 chữ vàng này là mâu thuẫn ngày càng gay gắt, không thể hóa giải ngay được. Càng có độ lùi thời gian, người dân Việt Nam càng thấy rõ âm mưu thâm hiểm của dân tộc đại Hán.

Người dân bình thường cũng biết Trung Quốc đã từ bỏ chủ nghĩa Mác, nhưng vẫn giương ngọn cờ CNXH để bịp dân họ và bịp một số nhà lãnh đạo của Việt Nam hám quyền, hám chức, hám lợi”.

Vẫn theo tác giả thì lịch sử bành trướng đại Hán đã có từ ngàn năm qua, nên “đừng ai vội nghĩ dễ xóa nhòa hoặc dùng ý chí chủ quan bắt mỗi người dân VN phải quên đi để chỉ nghĩ tới 16 chữ vàng” vì “không có sự giúp đỡ nào trong sáng, vô tư cả !” và không thể có “bốn phương vô sản đều là anh em !”.

Yêu nước phải đúng "cách"

Theo blogger Bùi Tín thì trước đại họa dân tộc bao gồm “hiểm họa xâm lăng gắn chặt với hiểm họa tham nhũng” thì lòng yêu nước truyền thống của người dân Việt là một “kho báu vô tận”. Nhà báo Bùi Tín nhận xét:
Công an Việt Nam đang làm nhiệm
vụ trên đường phố Hà Nội
hôm 26/6/2011. AFP
"Kho vàng vô tận là lòng yêu nước của toàn dân tuy được khai thác nhưng nhân dân chưa hề được hưởng. Các nhóm lợi ích của đảng đã nhanh chân chia nhau hết cả rồi. Dân gian có câu: cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan...Hiện tại, trước đại họa bành trướng kết chặt với đại họa tham nhũng, lực lượng yêu nước, thương dân chống bành trướng và tham nhũng đang là lực lượng cứu nước trong sáng và trong sạch, nhận ra kho báu vô tận là lòng yêu nước vốn có trong mỗi người dân để thức tỉnh và khai thác từng bước vững chắc.

Lần này không ai có thể cướp đoạt kho tàng vô giá ấy để phục vụ cho ngoại bang, vì chủ trương xây dựng nền dân chủ đa nguyên lành mạnh, theo hiến pháp và pháp luật nghiêm minh là chìa khóa cẩn mật giữ cho kho tàng vô tận ấy sẽ mãi mãi ở trong tay nhân dân, nảy nở sinh sôi lên mãi, vì nền độc lập thật sự bền lâu và vì hạnh phúc của toàn dân."

“Kho báu vô tận” vừa nói – tức lòng ái quốc – hiện bị lợi dụng khi giới cầm quyền đồng nhất quốc gia với thế lực chính trị cầm quyền. Qua bài “Lại chuyện yêu nước”, blogger Nguyễn Hưng Quốc chứng minh sự lợi dụng đó là chuyện tự cổ chí kim, từ “trung quân ái quốc” cho tới “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, như sau:

"Ngày xưa, kéo dài cả hàng ngàn năm, đó là sự đồng nhất giữa quốc gia và triều đại: yêu nước và trung quân là một... Sau này, dưới chế độ cộng sản, người ta lại bày ra trò mới: đồng nhất quốc gia và chế độ. Bởi vậy mới có câu khẩu hiệu lừng lẫy một thời: Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội...

Nhưng trong chiến dịch phản đối và bôi nhọ những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam thời gian vừa qua, giới tuyên truyền trong nước lại đưa ra luận điệu mới: Yêu nước cần phải đúng cách. Mà đúng cách là đúng chủ trương của Đảng.
Đó chỉ là uyển ngữ của một luận điệu khác: Yêu nước là yêu Đảng....Nhưng nếu không có vật gì bảo chứng thì làm sao có thể thuyết phục dân chúng chấp nhận việc đồng nhất yêu nước và yêu đảng để từ đó xem việc chấp hành chủ trương của đảng là biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước như điều giới lãnh đạo Việt Nam mong muốn?

...
Theo chỗ tôi biết, qua những gì mình đọc được, người ta chỉ muốn nói thế này: Có nhiều cách biểu hiện lòng yêu nước khác nhau, nhưng cái cách bẻ chân bẻ tay, đạp vào mặt những người đi biểu tình ngoài phố hoặc gõ cửa nhà đe dọa, không cho người ta đi biểu tình chống Trung Quốc nhất định không phải là yêu nước. Mà ngược lại."

Trong chiến dịch phản đối và bôi nhọ những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam thời gian vừa qua, giới tuyên truyền trong nước lại đưa ra luận điệu mới: Yêu nước cần phải đúng cách.

Blogger Nguyễn Hưng Quốc

Bài “Đừng tiếc nuối những gì mà lòai người đã loại bỏ” của tác giả Hoàng Lại Giang vừa nói cũng không quên lưu ý rằng “Nhân dân bức xúc, bày tỏ thái độ trước sự bành trướng của Trung quốc thì chính quyền tìm mọi cách ngăn chặn , thậm chí dùng cả bạo lực đối với người biểu tình. Bây giờ hãy còn quá sớm để quy đấy là tội bán nước, nhưng chắc chắn lịch sử rồi sẽ phán xét công minh, rạch ròi.

Với người Việt Nam, tội bán nước là tội không thể dung tha, bởi ở bên cạnh một đất nước to, gian manh và xảo quyệt luôn mưu đồ bành trướng, thì cái sự chống đỡ để giữ cho được từng tấc đất phải tính bằng xương máu của hết thế hệ này qua thế hệ khác. Người yêu nước không bao giờ đặt nhầm chỗ giữa ý thức hệ và độc lập toàn vẹn non sông !!! Ý thức hệ là tạm thời, là giai đoạn, còn chủ quyền toàn vẹn non sông là vĩnh cửu”.
Thanh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét